Suy ngẫm về tình yêu thương. Bài hay ở Hieuminh
Tác giả: Ngọc Vũ
Tuần trước, một người bạn cũ đang làm việc tại Sing về thăm nhà, tặng tôi cuốn “Hồi ký Lý Quang Diệu” bản tiếng Anh. Thực ra tôi đã đọc bản tiếng Việt từ lâu và đọc rất nhiều lần. Tôi nghiệm ra rằng ông ấy và cộng sự thật….. “sai lầm” khi không chịu sinh ra ở…chỗ khác. Có khi ông ấy giúp cho mấy chục triệu người nghèo có cuộc sống tốt hơn, Sing có vài triệu dân thì bỏ bèn gì.
Anh bạn tôi vốn xem ông LQD là thần tượng của mình. Lan man sang đề tài giáo dục, có nói về chuyện ông LQD kể việc bị ăn 3 roi của thầy hiệu trưởng (tr.29/tập1), Ông viết: “…. chẳng bao giờ hiểu tại sao giáo dục phương Tây lại chống việc trừng phạt thân thể đến thế. Chuyện đó không gây tổn thương gì cho tôi cũng như các bạn khác”. Nói đến đây, tôi bỗng…..cả gan phản biện lại, tôi cho rằng ngài cựu TTg Sing đã sai và “cãi lộn” với anh bạn cho đến cuối buổi “nhậu”.
Thật vậy, trừng phạt thân thể là tuyệt đối cấm ở phương Tây. Chúng ta thấy nền giáo dục và luật pháp của họ, ngay từ ngày đầu cắp sách đến trường của các công dân trẻ thơ cho đến lúc trưởng thành, đều được dạy rằng: “Thân thể con người là bất khả xâm phạm”, ký ức sẽ mãi ghi sâu điều này cho đến về già. Việc sử dụng đòn roi sẽ gieo vào hồn thơ trẻ dấu vết của bạo lực.
Việt Nam chúng ta, ngày càng nhiều những mâu thuẫn nhỏ cũng giải quyết bằng dao. Tình trạng bạo lực trong học đường ngày càng tăng. Có được học mới biết. Hình như hơn nửa thế kỷ qua, giáo dục của VN dạy “cô du kích nhỏ giương cao súng”, hay những tấm gương dũng sĩ diệt kẻ địch, hay sự tàn ác của kẻ địch…v..v…. vậy đâu là nơi dạy dỗ sự vô giá của thân thể con người.
Tôi đồ rằng chính vì vậy, khi một người dân, với một lỗi giao thông sơ đẳng, chỉ vài giờ “gặp riêng” nhân viên công lực, đã về với gia đình bằng cái xác không hồn. Những nhân viên công lực đã không được học về tính bất khả của thân thể con người, trong khi họ lại là người thừa hành công vụ.
Bao năm thơ trẻ, những bài học quyết liệt về kẻ thù ăn sâu vào tâm trí, bao bài học không khoan nhượng với cường hào, ác bá, địa chủ. Ít có bài học nào gieo hạt giống cho tình yêu con người, vậy thì ngày nay, chúng ta gặt sự hờ hững trước nỗi đau đồng loại, người có chức quyền dửng dưng với nỗi khổ của người dân và với họ, đâu đâu cũng thấy kẻ thù.
Bao năm qua, chúng ta có dạy cho trẻ biết lấy nón khỏi đầu, không cười nói, nô đùa và cuối đầu khi đi qua đám tang? Tình yêu đồng loại đã không được gieo, sự chia sẻ nỗi mất mát của con người cũng không được học, thì ngày nay, dù mảnh đất Miền Trung có bao nhiêu người chết do bão lụt, cũng không làm động chút tình của con người nơi đô hội. Một lời mặc niệm, chia sẻ đã không có, đó chính là cái quả gặt được của cách gieo ngày xưa. Một cách hiển nhiên, một sự thật tàn nhẫn, nhưng nó đã vậy và sẽ vậy.
Cũng vì sự thiếu vắng tình người, mà rất nhiều những con người làm việc trong ngành y, những nhà kinh doanh thuốc, sẵn sàng bán hồn mình cho quỉ, để làm giàu từ đồng tiền của cả những bệnh nhân nghèo.
Chờ chồng ở đảo Lý Sơn. Ảnh: TT
Ông bà ta vẫn thường dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở” tức cuộc đời con người, chuyện gì cũng phải học. Từ sắc màu xanh đỏ thế nào cho đến sư tử thì khác cọp ra sao. Từ HS-TS kia là đảo của Tổ quốc thiêng liêng cho đến sinh mạng con người là vô giá. Không học, sao biết? Nếu không được học, không được gọi tên, 30 năm nữa, HS-TS sẽ thực sự là bãi hoang chim ỉa.
Vì cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, mọi loại hình giáo dục, văn hóa, nghệ thuật đều tập trung cho mục tiêu chiến thắng. Điều đó là chấp nhận. Nhưng, sau ngày hòa bình, cái nhìn về tình người, hành xử về tình người và giáo dục về tình người vẫn mang màu sắc của chiến tranh, của sự phân biệt quyết liệt về giai cấp, trẻ thơ vẫn được học và sinh hoạt Đội với nội dung căm thù giặc, căm thù địa chủ, cường hào, ác bá, mà thật xót xa, trong những đôi mắt trong veo kia, không biết kẻ thù là ai, chỉ biết là phải căm thù. Tình yêu thương sẽ ở đâu ra? Hơn thế nữa, cái tâm của con người cũng bắt đầu từ tình yêu thương đồng loại. Mai kia khi khôn lớn, biết tìm đâu cái tâm để mình bạc tóc, thay cho bao triệu người VN bạc tóc(với entry “Từ trận ĐBP…..”)
Không có tình yêu thương giữa người và người, thông minh mấy cũng lận đận mà thôi (với một entry khác của bác HM).
Mới đây nhất, trên Blog TDN, câu chuyện xây cầu ở huyện Đông Giang và sự vô cảm đến mức “khốn nạn” (chữ TDN) là sự tiêu biểu cho tình người của ông trưởng huyện.
Ước mơ những ngư dân VN giữa biển cả, những người dân nghèo nơi bão lũ, có được chút tình như những người thợ mỏ Chile kia có được, cho đến bao giờ? Tại sao?
Vâng, chúng ta đang gặt những gì đã gieo.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ