Những câu nói lỗi thời về giáo dục
Cập nhật lúc 10:25, Chủ Nhật, 10/10/2010 (GMT+7)
,
- Câu chuyện "băng ghi âm cô giáo mạt sát học trò" lên mạng được dư luận quan tâm trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề của giáo dục. Trong dạy và học, quan hệ thầy – trò, người Việt Nam thường có nhiều câu nói, nhiều cách hiểu mà hôm nay xem ra không còn phù hợp...
#
Sự học ngày nay: Ít ’bậc thầy’ đúng nghĩa?
#
Chuyện nhớ đời về chiếc khăn lau bảng ướt
#
Cái tát trời giáng và lời chửi thề vô chủ
"Học một biết mười"
Mô tả ảnh.
Đăng ký học cho con. Ảnh: Tú Uyên
Chúng ta dường như quá ảo tưởng và kỳ vọng vào con em mình. Những cháu nào lanh lợi một chút thì ngợi ca là “học một biết mười”. Theo nhiều nhà sư phạm, chuyện “học một biết mười” chỉ nên xem như một cách nói mang tính tượng trưng, kiểu ngoa dụ.
Học một biết một đã là quý lắm rồi! Hãy yêu cầu các em học một biết lấy một cái đã. Biết cái gì chắc cái đó, biết thật cơ bản và sâu sắc.
Cái lối “biết mười” của chúng ta xưa nay chẳng qua chỉ là hiểu biết vặt vãnh, vụn vặt, chắp vá. Cứ tung hô cái lối “học một biết mười”, vô hình chung, chỉ đẻ ra đủ thứ láu cá, mẹo mực trong học tập, tạo ra thói chủ quan, hiếu thắng, ảo tưởng trong học sinh, thậm chí còn khuyến khích việc học thêm không cần thiết.
"Không thầy đố mày làm nên"
Câu nói này rất quen thuộc với nhiều thế hệ trước đây. Câu này nếu như chỉ nói với dụng ý đánh gia cao vai trò của người thầy thì có lẽ chẳng nói làm gì. Thế nhưng nhiều người lại tuyệt đối hoá nó.
Có thầy mà “làm nên” là việc đã đáng khen rồi. Nhưng không thầy mà “làm nên” càng phải đáng khen hơn nữa chứ. Trên đời này thiếu gì người tự học hỏi mà thành công. Ông Nguyễn Cẩm Luỹ có được học hành đến nơi đến chốn đâu mà sao vẫn di chuyển được toà nhà hàng ngàn tấn? Mấy anh thợ cơ khí Hai Lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có học chế tạo máy đâu mà vẫn cho ra lò hết loại máy này đến máy khác?
Không nên tuyệt đối hoá vai trò của người thầy. Điều này tạo cho học sinh tính thụ động, ỷ lại và tự ti. Có lẽ, đã đến lúc phải bảo cho các em biết được rằng, có thầy hướng dẫn thì thuận lợi hơn, nhưng không có thầy các em vẫn có thể học được. Trong nhà trường hiện cũng đang thực hiện nguyên tắc “lấy học sinh làm trung tâm”, tức là các em chính là người chủ động đi tìm kiến thức, giáo viên chỉ giữ vài trò hướng dẫn, gợi mở.
Trong cuộc sống hôm nay, có đủ thứ cần phải học mà cái gì cũng phải có ông thầy thì liệu còn học được gì? Phải chăng chính vì cái tư duy “Không thầy đố mày làm nên” nên đã đẻ ra đủ các kiểu học thêm học nếm như ngày hôm nay?
"Nhất tự vi sư..."
Câu này thường thấy trên báo chí vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Với một dân tộc tôn sư trọng đạo, mang nặng triết lý thứ bậc Quân - Sư - Phụ như dân tộc chúng ta thì việc người ta hay nói “một chữ cũng là thầy” xem ra cũng dễ hiểu.
Câu này - cũng giống như với “không thầy đố mày làm nên” - nếu chỉ với ý nghĩa đề cao vai trò, công lao của người thầy thì không sao.
Thế nhưng nhiều người lại coi như một khẩu hiệu và thực hiện theo nó một cách máy móc.
“Hơn một chữ cũng là thầy” chỉ nên hiểu là một cách nói có ý nghĩa tương đối để mỗi người luôn tự ý thức học hỏi vươn lên. “Hơn một chữ” chưa thể “làm thầy” được và chỉ có “chữ” không thôi cũng không thể làm thầy được.
Trí - đức - thể - mỹ
Câu này thường thấy trong mục tiêu giáo dục của nhà trường.
Có nghĩa là nhà trường của chúng ta phải đào tạo những con người có đầy đủ trí - đức - thể - mỹ.
Thực ra, đây là ước mơ của cả nhân loại trên thế gian này. Nhưng vấn đề ở chỗ có đạt được một con người toàn vẹn, tròn vo như thế?
Có thể mục tiêu này là cái đích phấn đấu, nhưng đáng nói ở chỗ, hình như nó lại ít nhiều ảnh hưởng, thậm chí quy định phương pháp giảng dạy và yêu cầu học tập.
Chính vì thế nên người ta mới bắt học sinh phải trở thành những nhà mỹ thuật tài ba, những vận động viên chuyên nghiệp?!
Điều đó có đáng không khi mà năng khiếu mỗi em một khác?
Thế nên mới có chuyện bài mỹ thuật, thủ công học sinh nhờ phụ huynh làm giúp, bởi thế mới có chuyện đau lòng học sinh tử vong khi học môn thể dục.
Ở đây có sự mâu thuẫn. Ngành giáo dục đang cố dạy theo nguyên tắc phân hoá trong giáo dục (phân ban), có nghĩa dạy học hướng tới từng cá thể học sinh, phát huy năng lực mỗi em. Vậy thì làm sao đòi hỏi được đầy đủ trí, đức, thể, mỹ?
Cũng may là mới đây, dường như nhận thấy sự mẫu thuẫn nói trên, nên ngành đã thay đổi cách đánh giá ở một số môn năng khiếu.
*
Ngô Thiệu Phong
,
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ