Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Đừng “chết” vì thiếu hiểu biết!

Đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ Online (qua mạng), lấy bằng tiến sỹ ở Mỹ những không biết tiếng Anh, liên kết đào tạo với trường rởm… khiến dư luận bức xúc. Phải chăng sự học đang bị lợi dụng để kinh doanh hay “lợi ích” của tấm bằng rởm quá lớn khiến nhiều người mờ mắt?

Nhìn toàn cảnh GDVN mươi năm trở lại, dù là người lạc quan nhất cũng thoáng chút nhíu mày, băn khoăn. Mảng tối đã và đang lấn át các mảng màu tươi sáng trong bức tranh GD.
Trong bối cảnh đó, người dân ở một nước vốn trọng sự học, coi việc học là chìa khoá mưu sinh, thước đo thành đạt…như nước ta, bỗng giật mình, chới với như kẻ không biết bơi giữa ao sâu. Thật may, chính sách mở cửa như “cái cọc” giúp người dân tìm ra giải pháp tự cứu mình. Hội nhập, dân ta có thêm nhiều sự lựa chọn trong GD.
GD trong nước chưa tạo được niềm tin, người dân hướng ra GD nước ngoài, hoặc có yếu tố nước ngoài, mong chất lượng khá hơn. Nhưng cũng thời điểm này, lợi dụng khi các thiết chế GD còn manh nha, lỏng lẻo; người dân còn đang ngợp trước cái danh “quốc tế”…, một vài ĐH trong nước đã đục nước béo cò, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… sẵn sàng huỷ hoại tương lai dân tộc. Một số ĐH khác, có thể do thiếu thông tin, nên đã sập bẫy GD của nước ngoài.
Ở bậc phổ thông, ngành GD gần như không kiểm soát nổi các trường quốc tế. Cách đây 2 năm, lãnh đạo Sở GD-ĐT Tp. HCM xác nhận như vậy, tới nay tình hình cũng không khá hơn.
Nếu liên kết đào tạo (LKĐT) trong nước và dạy tại chức là “nồi cơm” của nhiều trường ĐH-CĐ cách đây chục năm, thì công việc ấy bây giờ “xưa” rồi. Thời thượng phải là LKĐT với nước ngoài.
Trong số các trường LKĐT, cũng có trường làm tốt, vì người học, vì chất lượng, danh dự và uy tín nhà trường. Song số này không nhiều.
112 chương trình liên kết với nước ngoài được Bộ GD-ĐT cấp phép là căn cứ đầu tiên để người dân lựa chọn. Tuy nhiên, một số trường đã liên kết chui, tức là liên kết với những chương trình rởm, không nằm trong số 112 chương trình của Bộ. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học khối các trường ĐH - CĐ, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT, Nguyễn Xuân Vang cũng tỏ ra âu lo trước thực trạng này. Song, vấn đề đáng nói nhất là, trong số những chương trình mà Bộ cho phép các trường LKĐT thì chất lượng cũng… không đồng đều.
Đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nên xin nói chút ít về ĐH ở Mỹ, khu vực có nhiều ĐH liên kết với VN, ngõ hầu hiểu thêm về LKĐT.
ĐH Mỹ có những trường danh giá nhất thế giới nhưng cũng có nhiều trường chất lượng chẳng đâu vào đâu. Thành lập ĐH ở Mỹ được ví như mở một quán hàng. Song, để hoạt động lại cần có kiểm định. Kiểm định ở ĐH Mỹ có nhiều cấp độ khác nhau nhằm phục vụ một nền ĐH đại chúng, phân tầng ĐH. Mỹ giao quyền tự chủ gần như tuyệt đối về mặt chuyên môn cho giới đại học và khuyến khích thị trường cạnh tranh tự do trong GD. Điều này có thể giải thích tại sao Mỹ dễ dàng cho phép thành lập các trường tư có lợi nhuận.
Khi nói đến ĐH ở Mỹ thì phải phân biệt khái niệm “hợp pháp” và “có chất lượng” là rất khác nhau. Một trường hợp pháp, được kiểm định, được công nhận không có nghĩa là một trường đào tạo có chất lượng. Ông Xuân Thảo, nguyên cán bộ của Fullbright, người có hiểu biết về GD Mỹ, đã ví quan hệ liên kết trong đào tạo ĐH ở Mỹ như mua bán vàng. Anh vừa mua vàng bốn con 9 ở cửa hàng A, với hóa đơn 4 con 9 rành rành; nhưng khi sang ĐH B, người ta không quan tâm cái hoá đơn 4 con 9 ấy mà phải kiểm tra lại xem có đúng không. Sự so sánh đó để nói rằng, ĐH Mỹ nhiều tầng chất lượng.
Có lần hỏi chuyện một vị GS-TSKH ở ĐH quốc gia Hà Nội về LKĐT, vị này không trả lời mà ý nhị hỏi: Có thấy một ĐH danh tiếng nào liên kết với chúng ta không? Do vậy, mỗi người thận trọng khi đánh giá tấm “bằng quốc tế”, nhất là với các chương trình LKĐT.
Ai đó nói : "Xã hội cần những con người như thế nào thì ngành GD sẽ tạo ra những con người như thế". Phải chăng chúng ta đang cần nhiều ngàn tiến sỹ? Có thực bằng cấp như viên gạch gõ cửa quan và được hưởng ưu đãi đặc biệt nhờ chính sách chiêu hiền đãi sỹ? Cần phải nói thêm, một số chủ trương, chính sách của chúng ta bóng bẩy như bộ com- lê, nhưng nó không phải hàng may đo, lại được phát miễn phí cho người nông dân vốn quen đi đất với vai trần.
Tuy thế, chúng tôi vẫn tin rằng, đất nước và hầu hết người dân lương thiện đều khát khao thực học, thực tài. Trong khi các nhà quản lý GD đang cố gắng tìm lối ra cho bài toán chất lượng thì mỗi người hãy tự cứu mình. Trong một thế giới phẳng, với công cụ Internet trong tay, chúng ta có thể nhòm vào tận cửa các trường ĐH trên khắp hành tinh, có thể kiểm tra tính hợp pháp, thậm chí đọc nhận xét của từng học viên về chất lượng đào tạo của một trường nào đó… trước khi ra quyết định cho bản thân hoặc cho con em mình. Đừng “chết” vì thiếu hiểu biết./.


Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ