Dạy võ Vovinam trong trường học
Tự nguyện hay bắt buộc?
(VOV) - Công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu dạy môn võ Vovinam theo hình thức ngoại khoá, có điều kiện thì dạy, không bắt buộc… Tuy nhiên lại có kế hoạch đưa môn thể thao này vào trong chương trình Hội khỏe Phù Đồng (?).
Một lần nữa, câu chuyện tự nguyện - bắt buộc trong giáo dục lại xuất hiện một cách công khai?
Phát triển phong trào tập luyện võ Vovinam trong nhà trường được thể hiện ở Công văn số 4267 của Bộ GD-ĐT, ban hành tháng 7 vừa rồi. Công văn đề nghị đưa môn võ Vovinam vào chương trình thể dục ngoại khoá ở phổ thông.
Để tăng sức thuyết phục và làm cơ sở cho việc ra công văn này, Bộ GD-ĐT trích một đoạn phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi đưa võ cổ truyền vào nhà trường tại Hội nghị triển khai công tác ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu năm 2009.
Tích cực thực hiện ý kiến chỉ đạo, cho dù không phải ở hội nghị của ngành, nhưng cũng thật đáng quý. Vậy tại sao dư luận lại quan tâm đến thế ?
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT trả lời báo chí rằng, tuỳ điều kiện của cơ sở mà triển khai. Với các từ: “khuyến khích”,“ngoại khoá”,“tuỳ điều kiện”, “không bắt buộc”… được nói tới trong Công văn 4276, người ta có cảm tưởng chuyện dạy võ này rất “mở”, rất “thoáng”. Thế nhưng Công văn 4267 lại “nhắc khéo” một câu là “sẽ đưa Vovinam vào chương trình thi đấu chính thức từ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII-2012”.
Đọc Công văn 4276 lại nhớ cạnh nhà có cậu học sinh mê game online. Cứ mỗi lần định lẻn đi chơi, mẹ cậu lại quát: “Mày cứ đi đi! Rồi về đây tao bảo”. Nghe vậy, nó không đi nữa. Nó biết thông điệp gì ẩn chứa sau câu mệnh lệnh tưởng như cho phép kia. Trong GD, cũng có nhiều việc, tưởng như tự chủ, tự nguyện... nhưng kỳ thực là bắt buộc.
Còn nhớ cách đây chục năm, Casio cũng gian truân lắm mới len chân vào được thị trường giáo dục được xem là màu mỡ và ổn định. Học sinh cứ việc mua máy tính bỏ túi mà dùng, nhưng nhớ một điều: Casio chiếm vị trí đầu tiên trong số ít các máy tính được phép đem vào phòng thi. Sau này Bộ GD-ĐT liệt kê thêm 2-3 loại máy tính khác cùng dòng chữ: “…và các loại máy tính khác tương đương”, nhưng trên thực tế, chẳng thí sinh nào dại mà liều lĩnh đem “cái tương đương” ấy đi thi.
Mua sách tham khảo là tự nguyện. Thế nhưng bài tập giáo viên ra lại có trong sách tham khảo mà trường bán. Hỏi cô sao có chuyện tréo ngoe đó. Cô bảo: Sách trên Phòng Giáo dục đưa về.
Học thêm được gần 1 tháng, học phí đóng cả rồi, khi đó giáo viên mới thò ra lá đơn xin học trên tinh thần tự nguyện.
Cái gọi là tự nguyện, tự chủ… trong giáo dục của ta nó thế đấy. Chuyện dạy võ trên tinh thần “có điều kiện thì làm”, về bản chất, liệu có khác mấy cái thứ “tự nguyện” kia?
Trả lời báo chí về việc dạy môn võ này, ông Ngũ Duy Anh đưa ra một nguyên tắc: “Tất cả những hoạt động đưa vào nhà trường làm cho các học sinh vui hơn, khỏe hơn… thì chúng tôi khuyến khích”. Vâng, cũng chỉ mong có vậy thôi: Giáo dục hãy vì học sinh, đừng vì bất kỳ một cái gì khác ngoài học sinh. Phụ huynh đã mướt mồ hôi với cái điệp khúc tự nguyện theo kiểu bắt buộc ở trường phổ thông hiện nay rồi. Bây giờ lại khoác cái tự nguyện ấy lên giáo viên, nhà trường… thì phụ huynh chịu sao nổi?./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ