Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Một năm học mới : mừng và lo.

Không giống như chủ đề năm học (vẫn “cũ” như năm ngoái), năm năm học mới 2010 - 2011 có nhiều nét mới. Sẽ có rất nhiều tiền dự án triển khai trong năm học này. Tiền cho phổ cập mầm non, tiền cho đề án trường chuyên và dạy ngoại ngữ từ lớp 3. Nhiều tiền như thế chứng tỏ nhà nước và cả xã hội rất quan tâm đến GD. Song, cũng như sự phát triển thể chất và tinh thần của một đứa trẻ, không phải cứ cho chúng học thật nhiều, ăn thật bổ béo đã là tốt. Điều này thậm chí còn gây hại với các chứng béo phì và “gà công nghiệp”, chưa kể thói ích kỷ và tâm lý hưởng thụ.
Chính vì thế, các dự án, đề án cho GD vừa là niềm vui, vừa là lo toan cho cả xã hội, trong đó có các thầy, các cô cùng cán bộ quản lý. Triển khai các dự án tiền tỷ thì ngành GD đã quen rồi, nhưng thực hiện hiệu quả vẫn còn khiến dư luận quan tâm, đây đó bức xúc.
Dự kiến năm học này, 20% học sinh lớp 3 học ngoại ngữ chính khoá. Tỷ lệ phần trăm nói trên sẽ tăng theo các năm. Đề án hàng ngàn tỷ này rục rịch từ lâu. Trong đề án dạy ngoại ngữ, người ta nói nhiều đến đầu tư cho tiếng Anh. Không biết 3 ngoại ngữ còn lại (Nga-Pháp-Trung) liệu còn đất sống? Vẫn chưa thấy Bộ công bố chính thức bộ CT và SGK ngoại ngữ theo CT 10 năm.
Tổng kết năm học vừa qua, có địa phương phàn nàn HS không mặn mà với trường chuyên (vì không còn chế độ tuyển thẳng với những HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia). Trong khi bồi dưỡng nhân tài như thế nào hiệu quả còn đang tranh cãi thì nhiều người khấp khởi với trường chuyên. Được biết, kinh phí đầu tư trong đề án phát triển trường chuyên khá lớn. Mỗi tỉnh không chỉ có 1 trường chuyên (như trước đây) mà tính theo tỷ lệ học sinh.
Sự kiện Ngô Bảo Châu vừa đoạt giải Field khiến nhiều người vững tin vào khối chuyên. Bởi GS Châu cũng từ cái lò chuyên ĐH Tổng hợp (cũ) mà ra. Thế nhưng trước khi đoạt giải, mấy ai biết Viện Toán, dù đã trả mức cao nhất, cũng chỉ được 5 triệu /tháng cho GS Châu mỗi khi anh về nước hợp tác cùng viện. Vẫn biết, GS về nước không vì tiền. Thế nhưng 5 triệu đồng kia đủ nói lên việc trả thù lao cho chất xám như thế nào. Với 5 triệu/tháng liệu có ươm mầm được những giải Field trong tương lai?
Báo chí mấy hôm nay vinh danh thủ khoa nhà nghèo đỗ đầu vào đại học. Dưới mỗi bài đều có địa chỉ để các nhà hảo tâm liên hệ giúp đỡ. Có người than: “Nguyên khí quốc gia" phải “hành khất” sự hảo tâm của xã hội. Giá như các em được hưởng một phần của cái kinh phí trường chuyên kia thì hay biết mấy. Bồi dưỡng nhân tài ở đó chứ đâu xa ?
Năm học mới, Hà Nội cấm mở quán Internet trong phạm vi 200m tính từ cổng trường. Ngành văn hoá đã dùng biện pháp hành chính với các yếu tố không gian để hạn chế một công cụ (Internet) mà bản chất của nó là xoá nhoà đi ranh giới. Cấm tiệm Games Online gần trường - một giải pháp tình thế thể hiện sự lúng túng trong quản lý.
Năm học mới sẽ không còn tiệm Games Online gần trường, GD pháp luật được đẩy mạnh, Hà Nội dạy “thanh lịch” từ tiểu học... Không biết việc dạy “chống tham nhũng” và “an toàn giao thông” trong trường mấy năm qua có để lại bài học kinh nghiệm quý báu nào cho những khoá học về “pháp luật” và “thanh lịch” tới đây hay không? Hiện nay, mầm non đã dạy “đèn xanh đèn đỏ”. Ấy thế mà học sinh vẫn lượn xe máy vèo vèo trước mặt công an.
Thế hệ chúng tôi, cách đây gần 30 chục năm, từng đứng ngây ra ngắm chú công an điều khiển giao thông ở ngã tư. Những động tác xoay mình, vẫy tay ra hiệu, chỉ tay làm hướng… duyên dáng, trang trọng và lịch thiệp. Còn bây giờ, nhiều chiến sỹ đứng thõng thượt, gẩy gẩy cái dùi cui trông hờ hững, bất cần và thiếu trách nhiệm. Từ cách điều hành như thế, chợt có liên hệ tiêu cực tới việc tuân thủ luật giao thông.
Dạy pháp luật, thanh lịch…cũng vậy thôi, đừng quá kỳ vọng; trường học phổ thông không phải ngôi nhà thần kỳ có thể biến mọi chủ trương, chính sách thành hiện thực.
Nâng cao ý thức pháp luật, dạy thanh lịch, quản lý chặt game online… cũng là một trong nhiều giải pháp ngăn chặn đánh nhau trong trường học - một sự việc nhức nhối xảy ra trong năm học vừa qua. Năm học mới này, học sinh sẽ được đánh võ Vovinam trong trường. Chợt nghĩ mà thấy lo. Dạy võ là dạy cái Đạo trước tiên. Không biết nhà trường có đủ võ sư hiểu được chữ Đạo trong võ học để dạy cho học sinh? Trong khi năm nào cũng có học sinh cũng chết đuối thì không thấy phổ biến dạy bơi ?


Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ