Nói zdậy mà hổng phải zdậy!
Nói zdậy mà hổng phải zdậy!
(Ảnh minh họa)
(VOV) - “Nhà xiêu thì các cột đều xiêu” là hình ảnh được đưa ra để giải thích thêm cho mẫu thuẫn này…
Trong hai đợt thi của kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Cao đẳng (ĐH – CĐ) năm nay, với ý định tìm hiểu nguyện vọng về cách thức tuyển sinh, chúng tôi đã đặt câu hỏi này với nhiều trường đại học (ĐH).
Tất cả những trường được hỏi đều không muốn gộp kỳ thi tuyển sinh vào kỳ thi tốt nghiệp (gọi là kỳ thi THPT quốc gia) theo Đề án Đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ nêu ra. Tất nhiên cách thể hiện ý này của lãnh đạo mỗi trường một khác. Ví dụ: “Nên giữ ổn định như hiện nay”, “Phương thức thi theo 3 chung có nhiều ưu điểm”, “Giai đoạn này chưa nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia”.v.v...
Trong câu chuyện bên bàn trà, lãnh đạo nhiều trường ĐH nói thẳng thắn rằng, lý do chưa thể tổ chức gộp thành kỳ thi THPT quốc gia là vì chưa tin tưởng vào chất lượng kỳ thi tốt nghiệp. Về việc này thì các trường ĐH đã có thực tế sau một vài năm được điều động đi làm thanh tra ủy quyền tại các hội đồng thi của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Còn nhớ, khi Đề án Đổi mới thi và tuyển sinh được đưa ra lấy ý kiến, có tới trên 60% các trường ĐH - CĐ nhất trí với kỳ thi THPT quốc gia. Tỷ lệ nói trên chắc vẫn còn lưu ở Bộ GD-ĐT. Bởi đã có hẳn một cuộc họp tổ chức tại đây để công bố số liệu nói trên.
Thật lạ, khi hỏi trực tiếp thì hầu hết các trường đều khẳng định không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng khi bỏ phiếu theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì lại có trên 60% các trường nhất trí?!
Một vị hiệu trưởng của một trường ĐH lớn trả lời rằng, sở dĩ có chuyện ngược đời đó là do “văn hoá ứng xử của người Việt Nam ta nó vậy (?!)”. Khi lấy ý kiến bằng văn bản thì họ buộc phải đánh dấu vào ô đồng ý. Còn nếu hỏi họ có thực sự đồng ý không thì họ không nhất trí.
Dường như thấy chưa thuyết phục lắm, vị hiệu trưởng này đưa thêm ví dụ minh chứng. Chẳng hạn như mới đây, trên Báo Giáo dục Thời đại đăng ý kiến của lãnh đạo nhiều sở GD- ĐT về kết quả kỳ thi tốt nghiệp vừa diễn ra. Tất cả đều khẳng định tỷ lệ tốt nghiệp “phản ánh đúng chất lượng GD.” Vị hiểu trưởng kể: Trong số lãnh đạo sở trả lời phỏng vấn ấy có bạn thân của tôi. Họ đã nói với tôi về kỳ thi tốt nghiệp không giống như họ trả lời phỏng vấn.
“Nhà xiêu thì các cột đều xiêu” là hình ảnh mà vị hiệu trưởng đưa ra để giải thích thêm cho mẫu thuẫn nói trên. Vì thế, một hay một vài trường không thể là cái cột thẳng được.
Vị hiệu trưởng kết luận: “Văn hoá ứng xử của chúng ta nó buộc phải như thế”.
Chắc là khái niệm “văn hoá ứng xử” của vị hiệu trưởng này được hiểu theo nghĩa hẹp và phải để trong ngoặc kép, chứ ứng xử như thế mà gọi là “văn hoá” thì không chấp nhận được, chắc không ai đồng tình. Nhưng vấn đề đáng nói là hiện tượng ấy đang tồn tại.
Báo chí trong tuần chú ý tới trường hợp ông Dương Thế Phương, GĐ Sở GD- ĐT Bình Dương đứng lên xin từ chức trong phiên chất vấn của HĐND tỉnh. Có lẽ không chịu được áp lực từ nhiều phía nên ông Phương xin từ chức? Ông Phương nói với Báo Tuổi trẻ rằng: “Một vài đại biểu không hiểu được thực trạng giáo dục và đã so sánh với các tỉnh thành khác để đánh giá chất lượng giáo dục Bình Dương. Nhiều đại biểu cho rằng nhiều tỉnh thành khác tỉ lệ tốt nghiệp tăng 40-50%, trong khi đó tỉnh Bình Dương chỉ tăng hơn 9%...” Ông Phương tuyên bố: “Dù có từ chức, tôi vẫn siết chặt thi cử”. Câu nói thẳng thắn này được báo chí lấy làm tít trong loạt tin, bài viết về sự kiện nói trên.
Cứ liên hệ với hình ảnh “nhà xiêu các cột đều xiêu” của vị hiệu trưởng kia thì phải chăng ông Phương đã là cây cột thẳng?
Kiểu ứng xử “nói zdậy mà hổng phải zdậy” cần gọi đích danh là chưa minh bạch, thậm chí gian dối, chứ đừng gán cho nó mỹ từ “văn hoá ứng xử”!/.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ