Cao đẳng cộng đồng : sinh không dưỡng
Mô hình Cao đẳng cộng đồng ở Việt Nam: Có sinh mà không dưỡng
Ảnh minh hoạ
(VOV) - Là một mô hình đào tạo mềm dẻo, linh hoạt nhưng sau 10 năm bắt đầu xây dựng trường học đầu tiên đến nay mô hình Cao đẳng cộng đồng vẫn chưa có một quy chế riêng để phát triển
Việt Nam tiếp cận với mô hình Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến đầu những năm 2000 thì bắt đầu xây dựng những trường đầu tiên. Đến nay đã có 16 trường đi vào hoạt động.
Sau 10 năm, mô hình CĐCĐ ở Việt Nam vẫn chưa có một quy chế riêng cho dù loại hình trường này có tính đặc thù.
Là một môi trường đào tạo mềm dẻo linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực ở địa phương…, nhưng việc tuyển sinh, chương trình học, thời gian học, đối tượng học… vẫn tuân theo những quy định dành cho các trường đại học – cao đẳng (ĐH-CĐ) bình thường khác nên hoạt động rất khó, nếu không muốn nói là không thể hoạt động theo đúng bản chất của mô hình C.
Nếu không thực hiện đúng bản chất thì CĐCĐ ở Việt Nam thực chất có phải là CĐCĐ? Vậy thì nó là cái gì? Câu hỏi này chưa có lời giải. Một trường Cao đẳng Sư phạm ở địa phương chuyển sang mô hình Cao đẳng đa ngành, đa hệ thì khác gì một trường CĐCĐ (hoạt động theo kiểu Việt Nam) ?
Còn nhiều câu hỏi cần phải đặt ra cho mô hình CĐCĐ như các trường đại học địa phương đang thực hiện chức năng của trường CĐCĐ như thế nào? Mô hình CĐCĐ có phải là giải pháp tối ưu cho sự phát triển giáo dục chuyên nghiệp nói riêng và xây dựng nền giáo dục đại học đại chúng nói chung? Áp dụng mô hình trường CĐCĐ như thế nào là thích hợp để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương…?
Tại một diễn đàn quốc tế năm 2004, Bộ GD&ĐT cho biết bài toán quan hệ giữa quy mô và chất lượng giáo dục đại học được giải quyết khi phát triển mô hình CĐCĐ và đào tạo từ xa. Song thực tế diễn ra lại không giống với chủ trương. Có sự lúng túng trong thực hiện chiến lược giáo dục đại học hay ngành giáo dục xây dựng chiến lược chưa trúng?
Sự kiện các trường CĐCĐ kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển dường như không thu hút được nhiều sự quan tâm của báo giới và dư luận bằng việc đón GS Ngô Bảo Châu trở về từ Đại hội Toán học Thế giới với tấm Huy chương danh giá Fields. Bù lại, sự có mặt trong chốc lát của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại lễ kỷ niệm cũng an ủi phần nào.
Nhiều trường CĐCĐ thức thời đã cởi bỏ chiếc áo CĐCĐ để lên đại học. Họ nguỵ biện rằng đại học cộng đồng về bản chất cũng như CĐCĐ. Thực ra đại học hay cao đẳng là chỉ cấp độ đào tạo chứ không thuần tuý là từ định danh, có tính võ đoán. Việc nâng cấp lên đại học của một số trường CĐCĐ thể hiện tính thực dụng của nhà trường và sự lúng túng trong quy hoạch mạng lưới, phát triển loại hình trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. CĐCĐ ở Việt Nam hiện đang lâm vào tình cảnh có sinh mà không dưỡng./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ