Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Tuyển sinh ĐH-CĐ: Còn mệt lắm thay!

Tuyển sinh ĐH-CĐ: Còn mệt lắm thay!
(VOV) - Người ta bảo tại sao thi tuyển sinh có trên dưới triệu học sinh, phân bổ ra ở nhiều vùng, vậy mà ngày thi, đường phố vẫn cứ chật như nêm?

Với những bậc phụ huynh từng đưa con đi thi hẳn biết, mỗi thí sinh bao giờ cũng đi kèm với một người nhà, phần đông là bố mẹ hoặc anh chị. Bởi đối với mọi người, kỳ thi vào ĐH - CĐ rất quan trọng, sơ sẩy một tý là lãng phí một năm. Trong khi đó, những sự không may cứ luôn rình rập, như trộm cắp, tai nạn giao thông, sức khoẻ… Ngay ở Hà Nội thôi, nhiều thí sinh đi thi cũng phải có người lớn đi kèm.

Một lượng người lớn đổ về các trung tâm tạo nên nhiều vấn đề xã hội khá phức tạp. Ví dụ như “quân số” nhiều gia đình ở Hà Nội và các trung tâm lớn trong những ngày này bỗng dưng đông hẳn lên vì con cháu ở quê lên dự thi. Dưới góc nhìn nào đó, điều này thể hiện sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau, nhưng đằng sau nó cũng phát sinh nhiều vấn đề khá tế nhị.

Trong công điện gửi các trường trước kỳ thi khi đợt II diễn ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải nhắc nhở thí sinh và các HĐT về điện thoại di động, vì ở đợt I, nhiều thí sinh bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Nhắc lại những việc đã có trong quy chế tưởng thừa, nhưng ở ta lại cần thiết. Thế mới lạ! Hoá ra cái sự việc cỏn con như dùng điện thoại di động hoá phức tạp. Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân. Điện thoại di động không chỉ là chiếc a-lô để nghe - gọi mà còn là phong cách của một bộ phận giới trẻ. Một chiếc Iphone trị giá trên chục triệu đồng chắc không ai dám để ngoài cổng trường thi. Với nhiều thí sinh ở xa thì biết gửi ai, chẳng lẽ gửi ông chủ nhà trọ? Còn để phụ huynh giữ thì làm sao liên lạc đón nhau khi tan thi? Bởi thế mới có chuyện thí sinh đã tắt máy, cho vào túi quần, nhưng chiểu theo quy chế vẫn bị đình chỉ thi. Thật tiếc!

Báo chí dùng từ “vượt Vũ Môn” để chỉ thí sinh đi thi trong kỳ thi này. Tương truyền ở thượng lưu sông Hoàng Hà (Trung Quốc) có mỏm đá to như hình ô cửa. Vua Vũ nhà Hạ, khi trị thuỷ đã đục phá khung đá này cho rộng thêm ra nên gọi là Vũ Môn. Trời mưa to, các loài cá kéo về để vượt Vũ Môn. Chỉ có loài cá chép lớn mới vượt qua Vũ Môn để ra biển và hoá thành xích long (rồng đỏ). Vì thế, Vũ Môn còn gọi là Long Môn, cửa hoá rồng. Thí sinh hôm nay đi thi đại học được ví như cá chép vượt sóng dữ, vượt Vũ Môn để hoá rồng.

Tuy nhiên, nếu có khả năng thực sự để đỗ kỳ thi tuyển sinh này, thì sau 4- 5 năm học tập ở đại học, không phải tất cả thí sinh đều “hoá rồng”. Thế kỷ 21- thế kỷ của hội nhập - chắc không còn như xưa, hễ đỗ ông nghè là vinh quy bái tổ và được bổ làm quan. Thế nhưng oái oăm thay, coi đại học là hướng đi duy nhất để thoát nghèo lại là tâm lý xã hội phổ biến hiện nay. Điều này nhiều người biết là chưa đúng, song nó tồn tại tức phải có cái lý của nó. Tâm lý xã hội này được củng cố và càng có cơ sở khi mà cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự phát triển hài hoà, chính sách tiền lương có chỗ chưa hợp lý; chưa minh bạch và khoa học trong tuyển dụng... Vì thế, thật dễ hiểu khi thí sinh ùn ùn kéo nhau thi đại học, trong khi chất lượng đào tạo thì ai cũng biết, còn phải phấn đầu nhiều.

Tất cả những điều trên lý giải hiện tượng thí sinh sẵn sàng “một mất một còn” với kỳ thi vượt Vũ Môn bằng đủ các kiểu, như dùng điện thoại, giở tài liệu... Trong kỳ thi này, người ta đã chứng kiến thí sinh mù, liệt, gãy chân, đau ruột thừa… cũng cố dò dẫm tới trường thi. Hình ảnh vị phụ huynh không kịp dựng chân chống xe, để mặc nó đổ kềnh, hớt hải chạy vào trường đưa cho con chiếc máy tính cá nhân, thật ngộ, nhưng cũng đáng để giới chức nhiều bộ, ngành phải suy nghĩ.

Nếu như nền GD hôm nay đã xác định dành cho số đông, không còn là nền GD tinh hoa dành cho vài phần trăm dân số nữa, thì cách quản lý và tổ chức thi có lẽ nên thay đổi. Thi cử tác động đến nhiều gia đình. Hơn thế, thi cử như hôm nay thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính vì thế, một kỳ thi thành công không chỉ đo đếm bằng việc nó có đạt được mục đích, mà còn phải xem xét nó dưới góc độ hài lòng của cả xã hội./.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ