Nhân vụ Đồng Tâm viết bộ đội và dân
Sau 75, chiến tranh cơ bản kết thúc, thế mà cái làng nhỏ nghèo xác xơ - làng Xóm Lò, cạnh Kho xăng Đức Giang- lại được đón bộ đội về ở cùng.
Hồi đó Xóm Lò 10 hộ thì 7 nhà rơm rạ, 2 nhà vẫn ở trong những cái lò gạch cũ, may ra có 1 cái nhà ngói. Mô hình nhà truyền thống, vài ba thế hệ cùng ở trong cái nhà ba gian chật chội, bữa đói bữa no, thế nhưng rất hào hứng đón bộ đội về ở cùng.
Các anh chỉ nghỉ và sinh hoạt tại nhà thôi, còn ăn tập trung chỗ khác chứ nhà mình gạo chả đủ sao nuôi nổi bộ đội.
Thấp thoáng trong trí nhớ, đó là một đơn vị đặc công tinh nhuệ, họ ở Xóm Lò vì làng nằm sát Kho xăng Đức Giang, một vị trí đủ điều kiện để huấn luyện bài tập thực hành về đột nhập .
Hồi đó Kho xăng Đức Giang là khu vực được bảo vệ nghiêm cẩn với rào nhiều lớp, mương và hào sâu bao quanh, hệ thống đèn pha quét liên tục, chòi canh có tầm quan sát rộng...Vì thế đây là thao trường lý tưởng cho huấn luyện trinh sát và đột nhập cả đêm lẫn ngày.
Các anh bộ đội lặng lẽ ra khỏi nhà ban đêm lúc nào tôi không biết và trở về vào rạng sáng. Có điều thú vị là chung chạ như thế nhưng dân và bộ đội rất quý nhau, gia đình coi như con cháu trong nhà, chả xảy ra điều tiếng gì.
Thời gạo châu củi quế, đến cái nồi gang cũng quý như vàng, thế mà sau khi bộ đội rời đi không suy suyển gì. Thi thoảng các anh còn hộ việc đồng áng, cho lương khô của Tàu. Nhà có con gái đến thì không phải để mắt dè chừng mà còn hồ hởi gán ghép "đứa nào lấy nó bác cho tất".
Người dân sẵn sàng "cho tất", không chỉ nhúm ruột mình đẻ ra mà thậm chí cả sinh mạng của mình để bảo vệ các anh.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ