Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Người già muốn gần con cháu nhưng cũng thích tự do

Nhiều người trẻ ngoại tỉnh giờ có nhà ở thành phố. Việc dịch chuyển này là chỉ dấu của sự thành đạt trong đời người. Đó cũng là xu hướng phổ biến. Mọi người có quyền mưu cầu một cuộc sống thuận lợi hơn, tiện nghi hơn.
Cha mẹ nhìn chung tạo điều kiện tối đa cho con cái lên thành phố. Thế nhưng lúc con cái yên bề gia thất, nhà cao cửa rộng, công thành danh toại ở chốn xanh đỏ tím vàng, người như nêm cối, thì phần đông các cụ lại không lên ở cùng con, hoặc có cũng ít ngày rồi tìm cách chuồn vội về quê.
Câu cửa miệng “ở đâu quen đấy” là cách lý giải thường thấy của mỗi người. Điều đó chả sai nhưng chung chung. Thói quen là cái có thể thay đổi cơ mà? Cá chuối đắm đuối vì con. Bố mẹ lúc nào chả vì con vì cháu? Bố mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả vì con vì cháu thì không lẽ thay đổi một chút về không gian, xa cách vài ông bạn nối khố... mà đã vội đầu hàng? Vậy thì vì sao?
Tôi thấy cái lý do lớn nhất là mất tự do. Vẫn biết chả bao giờ có tự do tuyệt đối nhưng cái tự do rất bình thường, giản dị các cụ được hưởng lúc ở quê giờ bị xâm phạm và thôn tính trắng trợn nhưng lại rất ngọt ngào.
Cái khó nói ở hai chữ “ngọt ngào”. Nó hữu hình nhưng lại rất mơ hồ và khó gọi tên. Nó núp bóng văn minh và sang chảnh khiến các cụ, vốn mộc mạc chân chất, lại cả đời mặc cảm người quê, nên đinh ninh và ngậm ngùi cho rằng việc mình gây ra - và cái điều các con góp ý - là hoàn toàn “đúng”?!
Đi nhà hàng, người cha lúng túng dẹp thìa nĩa sang một bên rồi sớn sác tìm đũa. Cô con dâu đảo mắt nhìn xung quanh xem có ai thấy hành vi của bố chồng không rồi nói nhỏ vào tai, bố ơi, dĩa đây dao đây! Lại quay sang: Mẹ ơi đấy là khăn ăn đấy! Phải để thế này này! Thế này này!
Vợ chồng đảo mắt lần nữa nhìn khắp lượt xem có ai để ý không. Nếu thấy họ sẽ chê quê kệch. Các cụ thì lóng ngóng, lúng túng, rồi thừ ra xấu hổ nghĩ vì mình mà con cái phải ngượng ngùng với thiên hạ...
Về nhà thì “bố ơi đấy là khăn mặt, khăn tắm đây cơ mà”; “sau khi tắm ông bà phải phải chùi chân vào thảm này, ai lại để nước chảy ròng ròng ra nhà thế”! “Không được rồi, nước mắm phải rót vào bát riêng, không nên rót vào bát ăn cơm mẹ ạ”, “ai lại mở cửa bật điều hoà thế”...
Nói chung trong ma trận không được không nên không phải ..., rồi phải như thế này, phải như thế kia nên các cụ “choáng”.
Người già cả nghĩ, hay tự ái, tủi thân. Mười cụ thì 9 thấy mình thừa thãi và là sự phiền toái của các con. Vợ chồng nó nhắc đúng chứ có sai đâu, chả qua mình kém cỏi lạc hậu. Ở đây chả giúp được chúng nó việc gì (mà cũng chả có việc gì để làm) chỉ làm phiền thêm các con, trong khi chính mình cũng khổ sở...
Nằng nặc đòi về hoặc ra chỉ dấu với đủ lý do để buộc con phải đồng ý “thả” cho về quê là đáp số chung của nhiều hoàn cảnh con phố bố quê.
Được trở về với các cụ như là sự giải thoát cho dù ở chốn quê xa ấy muốn ăn cái bánh giò cũng phải đợi chợ phiên. Nhưng nơi ấy các cụ được là các cụ, cái phần tự do ít bị cấu véo và san sẻ bởi những lề thói và quy tắc rối rắm chốn thị thành.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ