Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Thư Cả Chiêm 1

Hà Nội ngày 23/9

Gửi mẹ cái Mùa.

Thấm thoắt thế là đã thu sang. Đêm Trung thu, tôi dắt xe ra đầu đường hy vọng tìm được vài cuốc xe, kiếm vài cái bánh trung thu gửi về cho mẹ con bà, nhưng đường tắc quá, đi bộ chẳng xong, nói gì đến xe ôm. Ngồi vêu ra, vẩn vơ nghĩ đủ chuyện.

Dân thành phố thế mà thiệt thòi mẹ nó ạ. Ở đây mà nói Tết trông trăng chắc chẳng gây được cảm xúc gì. Phải gọi là Tết trông đèn thì đúng hơn. Chẳng biết trung thu năm nay có trăng không nhỉ? Tôi đứng ở góc phố ngửa mặt nhìn chỉ thấy khoảng trời tý tẹo lộ ra, chẳng biết trăng mờ hay tỏ. Thỉnh thoảng, rộ lên đâu đó tiếng trống múa lân, nhưng liền bị chìm đi, lạc đi trong tiếng còi xe. Tiết giữa thu mà không khí đặc quánh. Kể cũng lạ, thế mà nghe đồn quan chức các tỉnh cứ lũ lượt kéo về Hà Nội để mua nhà. Mấy bữa nữa là kỷ niệm 1000 năm, chẳng biết khi con cháu mời vua Lý về dự lễ trọng, cụ có còn nhận ra Hồ Gươm?

Mẹ nó này, dưới quê chuyện lạm thu có ồn ào không? Trên này mấy bà khách quen đi xe ôm của tôi ta thán đủ điều. Hình như bao nhiêu uất ức không nói được lúc họp phụ huynh, nên khi ngồi lên xe là các bà xả ra hàng tràng. Mình đâu có hiểu cái sự học trên thành phố nên ậm ừ cho qua chuyện. Nghe nói đầu năm học, có trường công lập thu đến hơn 1 triệu đồng. Cả Chiêm tôi tháng nào thu nhập cao lắm mới được chừng ấy, nghe đến tiền mà lạnh hết cả người.

Bác giáo Bình bảo: Câu chuyện lạm thu không mới, nhưng tồn tại dai dẳng ắt có lý do. Nếu như phụ huynh ta thán đủ mọi khoản tiền phải nộp thì nhà trường cũng đặt câu hỏi: Tiền đâu chi cho bảo vệ, lao công? Cục xà phòng rửa tay ai mua…? Lạm thu có nguồn gốc sâu xa từ việc đầu tư kinh phí, quản lý thu chi… trong nhà trường nói riêng và GD nói chung hiện chưa hợp lý, từ đó dẫn tới thiếu minh bạch. Không thể giải quyết dứt điểm lạm thu khi chưa có nghiên cứu, khảo sát xem có thực là các trường thiếu kinh phí cho hoạt động giảng dạy tối thiểu hay không, thiếu cái gì, bao nhiêu… Nếu thiếu thì giải quyết ra sao cho hợp lý hợp tình.

Bác giáo Bình trong ngành nói vậy thì đúng quá rồi, nhưng quê mình nghèo, thầy cô, nhà trường cũng không nỡ thu cao như nơi thị thành mẹ nó nhỉ? Có gì biên thơ lên cho tôi biết tin nhé ! Tôi lo lắm! Con thằng Vụ năm nay cũng vào lớp 1 rồi còn gì…

Ngẫm mà thấy cả đời người luôn bận bịu với lo toan! Cả Chiêm tôi trên này ngụp vào dòng khói bụi mà kiếm miếng ăn, nhọc nhằn đã đành, nhưng ít phải lao tâm khổ tứ như mẹ nó dưới quê. Cả Chiêm tôi biết là quản mấy đứa cháu đang tuổi nghịch là vất vả lắm!

Bây giờ bọn trẻ đánh nhau là đổ máu, không phải thụi mấy quả cho bõ tức rồi thôi như học sinh ngày xưa đâu. Dư luận thì kêu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Bác giáo Bình bảo lỗi đâu chỉ của riêng nhà trường? Học sinh hình thành nhân cách còn do gia đình và xã hội nữa chứ? Người ta bảo, mất thời gian là mất tuyệt đối. Một số gia đình mải mê sắm ô tô, mua đất, xây biệt thự… mà quên mất con đang lớn từng ngày. Khi những hành động xấu do các em gây ra thì cha mẹ mới giật mình bừng tỉnh. Khi đó, cái “cây” đã cứng, không uốn được nữa. Nếu mất thời gian là mất tuyệt đối thì nhầm lẫn tai hại nhất là nhầm lẫn về giá trị. Tài sản vô giá của gia đình là con cái chứ không chỉ nhà lầu, xe hơi. Gia tài để lại cho con, nhưng con hư thì đống của cải đó nghĩa lý gì?

Bác Bình hay nói chữ, Cả Chiêm tôi cố nặn óc ra để hiểu mẹ nó à. Bác Bình hỏi tôi rồi tự trả lời: Chú làm xe ôm, suốt ngày trên đường, chú có thấy gì không? Trên đường, người ta chèn ép, vượt lên nhau trong tiếng còi chát chúa, hăm doạ và đe nẹt; tiếng loa phường choe choé chõ vào nhà dân; thâm nghiêm, thanh tịnh như chùa chiền mà người ta đang tâm chèo kéo, nài nỷ để bán hàng; kẻ ăn xin lườm nguýt khi chỉ xin được 500 đồng; người ta hạ cây, lấp hồ…, tàn phá thiên nhiên vì lợi nhuận…? Đấy gốc rễ, mầm mống của bạo lực ở đấy đấy. Bởi thế, HS đánh nhau hôm nay là lỗi của tất cả chúng ta, âm ỉ lâu rồi, chứ đâu phải của riêng nhà trường.

Tôi nghe bác Bình nói mà giật mình, rồi bỗng dưng thấy thèm, thấy quý, thấy tiếc… cái không khí thanh bình của làng quê mình quá.

Thôi mẹ nó ngủ đi. Tôi dừng bút đây.

Cả Chiêm.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ