Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Trở lại Sài Gòn tháng 8-2022

Người ta thường nhớ lâu nhất vùng đất tuổi thơ đã sống, dù không lâu, dù không phải nơi chôn rau cắt rốn. Sài Gòn với tôi là như vậy. 

Tôi sẽ cố giữ mãi trong đầu hình ảnh Sài Gòn và Đà Lạt những năm 70-80. Thực ra 70-80 và cả vài năm sau đó, phố phường Sài Gòn không khác trước 1975 là mấy.

Nhưng giờ thay đổi quá nhiều.


Trường tiểu học tôi học hồi nhỏ đây. Hồi đó đường đất, mở cửa sổ phòng học nhòm ra phía sau thấy kênh Nhiêu Lộc sình đen ngòm, muỗi nhiều, dọc kênh có hàng dừa. Giờ đường chạy quanh. 



Chợ Phú Nhuận nghen! Vô chợ chạy thẳng sang bên kia là Cầu Công Lý, chùa Vĩnh Nghiêm. Khu trong chợ, đi vào hẻm, chếch về phía kênh Nhiêu Lộc (cầu Kiệu) có xóm người Hoa. Tối, dịp lễ, cộng đồng người Hoa sinh hoạt hội đoàn ở  thương điếm nhạc chũm chọe rất sôi động. Hình như đông người Hoa ở đây nên hàng ăn đêm ở chợ Phú Nhuận ngon. Mì xào giòn lần đầu tôi ăn ở đây, giòn rụm và tơi ở trong miệng. Từ đó không bao giờ có cơ hội được thưởng thức lại mà ngon như thế.

Chợ còn cái nhà mái ngói ở đầu chợ là nhà xưa đấy(ảnh).  Ai ở khu vực chợ Phú Nhuận đều phải biết hàng nước mía ở dưới nhà ngói đó, đầu lối vào chợ. Giờ vẫn bán mới kinh! 



Tiệm nước mía vẫn như cách đây hơn 30 năm, có cái khác là giá. Nước mía ở đây thơm và đặc biệt mua đóng bịch để vài tiếng nước không bị đen. Không phải ngẫu nhiên mà sống khỏe nhờ cái tiệm cà tàng này. 

Tui chống xe vô mua bịch nước mía, hỏi câu lãnh nhách: "Quán của chú vẫn từ xưa?" Hỏi xong mới thấy zô zuyên. Kỷ niệm của mình thì mình biết thôi mắc mớ chi hỏi người ta.

Ngày xưa mình từ 156-158 Võ Di Nguy băng qua đường là tới tiệm nước mía này. Vô chợ còn có hàng chè, chỉ là  mấy cái nồi đựng chè bày ra lối đi mà ngon không tả nổi. Ngày nào mình chả vài vòng lượn ở chợ nên hàng quà vặt nào rẻ lại ngon biết hết. 



Căn nhà (vissan) 156-158 Võ Di Nguy (giờ là Phan Đình Phùng)  mình ở  ngày xưa đẹp, sang thế, nhà lầu duy nhất ở đoạn phố này, của 1 gia đình di tản bỏ lại, giờ trông gớm ghiếc không. Hình ảnh điển hình các khu tập thể của cơ quan nhà nước đã giải thể sau Đổi Mới.

Hàng phở  Tân Hiệp ở ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Lê Văn Sỹ cũng có từ những năm 70, ít nhất là như thế. Năm 79 mình theo mấy chú nhân viên của bố đêm ra đây nhậu xí - quách (xương hầm cuối ngày hàng phở họ đổ ra). Thời đó đói khổ lắm. Nhân viên chỉ dám ăn vậy.




Chạy xe dọc Lê Văn Sỹ nhìn những nơi mình đã từng sống thấy lạ. Chống xe đứng nhìn Nhà thờ Ba Chuông, nơi trước đây mình hay vào,  giờ xây mới một màu xanh xám xịt những tường là tường nhao ra phố. Chán chả muốn chụp.  Nhà thờ này trước có hệ thống tranh kính đẹp mê mẩn. Hy vọng vẫn còn.

Mình ở Lê Văn Sỹ (trước là Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Trỗi) này cũng lâu lâu đấy! Chính nơi đây, mỗi sáng, sau tiếng chân ngựa của xe thổ mộ chở rau nhịp đều đều từ hướng Lăng Cha Cả  vào thành phố, là tiếng chuông nhà thờ đổ. Khi trở dậy, từ ban công nhìn xuống,  lễ đã tan, chỉ còn những tà áo dài trắng thướt tha khua dép trên đường vắng trở về nhà. Tịch mịch, thánh thiện và yên lành.   

Giờ nhà cửa hàng quán cứ sấn sổ ra phố, người muốn lao vào nhau. Mệt! 

Một ngôi trường mình học nữa đây - Trường Xô Viết, nay là Chí Linh. Trường vốn là nhà dòng của Giáo xứ Tân Hòa. Trường vẫn thế. Học trên lầu 2- tầng 3. Tan học, nhóng cổ nhòm xuống thấy bố đã đứng đợi từ bao giờ. Tất nhiên bố đón mấy buổi đầu. Sau ngõ ngách nào khu này mình cũng biết.




Chợ Tân Định đây! Qua cầu Kiệu  (hướng vô Quận 1) là tới. Xưa muốn coi cải lương phải đi qua đây, có rạp gì đó mà giờ tìm mãi không thấy. Coi cải lương thì lên đây, coi xi-nê thì đi ngược về chỗ ngã 3 Phan Đình Phùng- Huỳnh Văn Bánh.  Nhà mình ở giữa nên xưa chăm coi xi - nê và cải lương lắm. Giờ tìm mãi chả thấy 2 rạp xi-nê với cải lương ở đâu.

Hồi bé thằng Bá (dân Bến Tre) cùng nhà dụ mình xúc gạo đem lên chợ này bán. Vẫn nhớ cứ 4 gạt lon sữa bò ông Thọ là 1 kí lô 😂. Tiền đó hai đứa ăn quà và đi đá banh bàn. Mất dậy từ bé😡


Vào chợ Tân Định, ghé chè chị Vân. Xếp hàng rồng rắn, toàn shipper. Cũng ngon nhưng chỉ ngon hơn ở Hà Noi thôi. So với 30 năm trước không bằng 😁. 

Khi nào mình sẽ viết vì sao chè miền Trung (Huế) và Sài Gòn ngon. 

Xưa chợ Tân Định mái ngói, nay mái tôn, trông đã ngộp. Mặt tiền chợ  còn giữ nguyên nên khá đẹp , hàng chữ CHỢ TÂN ĐỊNH cũng là xưa đó,  đồng hồ cũng xưa, mỗi giờ là không chạy. Để 9 giờ cho hoành tráng vậy thôi 😆



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ