Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Chuyện Hiệp kể về nước Mỹ

Bạn mình (người Việt) ở Mỹ làm về dược phẩm. Bạn xây một cái kho để chứa nguyên liệu, chế phẩm, trong đó có một số chất gây nghiện. Lúc xin cấp phép xây kho thì bị tụi Mỹ nó "hành" .
Nó bảo kho mày có chất gây nghiện, vậy ngộ nhỡ đạo chích nó lọt vào được thì với số lượng ngần ấy chắc nó phát cho cả Washington, D.C. dùng cả năm.
Rồi nó săm soi thiết kế. Cuối cùng nó bắt đổ bê tông xuống phần móng sao cho trộm không thể đào hầm xuyên qua để chui vào được. Mỹ nó "hành" thế đấy!
Ở Mỹ loạng quạng đi vào khu da đen ổ chuột thì hãy coi chừng! Luật pháp và police Mỹ công bằng với mọi công dân bất luận màu da nhưng sợ lúc họ tới mình tèo mất rồi.
Còn báo chí Mỹ ư? Đây là điều mình muốn tìm hiểu nhất , tuy nhiên bạn làm mình hơi thất vọng. Sau vụ bầu cử tổng thống vừa rồi, nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến quyền lực thứ 4 ở Mỹ bị phanh phui. Báo chí ở những quốc gia văn minh, tự do, dân chủ cũng luôn doạ nảy sinh nhiều vấn đề?
Bạn kể, nếu ở VN, xem phim ảnh thấy nơi này nơi kia có mấy cô gái Mỹ ăn mặc nhố nhăng xẻ trước xẻ sau nhưng kỳ thực số đó ít. Phần lớn trẻ con được giáo dục cực kỳ kỹ lưỡng, không chỉ trong nhà trường mà ở cả gia đình.
Một hôm bạn mời hàng xóm (1 gia đình thuần Mỹ) sang ăn tối. Thằng cu con nhà hàng xóm có vẻ không quen món nên không đụng dao dĩa. Tuy nhiên nó ngồi im nhìn mọi người ăn. Đến gần cuối nó mới xin phép bạn mình được đi ra khỏi bàn để chơi (Lưu ý là nó xin phép gia chủ chứ không phải bố mẹ nó, chỗ này khác mình) .
GD là lĩnh vực mình từng theo dõi. Mê nó! Vì nó có thể thúc đẩy tiến bộ XH. Chả bài nào về GD của anh Nguyễn Danh Lam đang ở bển mà mình không xem. Anh là hoạ sỹ và anh thấy nước Mỹ dạy về mỹ thuật cho con gái học tiểu học của anh như vầy: Con nít học mỹ thuật không thiên về kỹ năng nghề nghiệp (vì đâu phải đứa nào mai mốt cũng thành họa sĩ), mà ngả sang hướng tiếp thu văn hóa, kiến thức nhân loại và trang bị một kỹ năng cảm thụ cái đẹp.
Còn học ngoại ngữ thì sao? Học ngoại ngữ ở Mỹ không phải là học… từ mới, ngữ pháp, mà là học về văn hóa, du lịch, ẩm thực… nói chung là học mọi thứ về đất nước ấy. Thông qua quá trình học, bằng cách coi phim, nấu nướng, tham quan… giáo viên của môn ngoại ngữ ấy sẽ nói chuyện cùng học trò và cái ngoại ngữ ấy tự nhiên thấm sang học trò, một cách tự nhiên nhất, đồng thời lại học được đủ thứ liên quan.
Thi thoảng lại có học sinh có vấn đề về tâm thần ôm súng bắn bòm bòm trong trường học ở Mỹ. Có máu đổ! Cả thế giới biết! Thế nhưng cả thế giới vẫn cứ đổ về đây học! Mùi thuốc súng chẳng thể ngăn được giấc mơ Mỹ!
Sẽ có người chê điều này điều kia về GD ở Mỹ nhưng 10 người Việt sống ở đó cầm chắc cả 10 đều khẳng định 1 câu chắc nịch: Tụi trẻ khoái đi học hơn ở nhà. Nghỉ học là chúng buồn!
Mình đoán khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" tụi Mỹ ăn cắp của VN rồi đem về nước trước 1975. Giờ trả lại đê! Please😜!
Mình bóp trán tìm câu trả lời cho vụ thích đến trường này hoài mà không ra. Ở VN, nghe thầy, cô ốm ( nghỉ học) là học sinh, từ đứa sún răng đến các anh chị bạc đầu răng bắt đầu sún, đều nhảy chồm lên bàn hét bravo, bravo.
Mỹ là quốc gia thường có những thằng điên vác súng bắn loạn xạ! Ở đây cứ không bị điên , biết sử dụng và có tiền là mua súng như mua bim bim ở VN. Nhưng khốn nỗi mua cả chục khẩu rồi mới phát điên😥.
Đất nước công nghiệp đâu chả thế: căng thẳng, trầm uất, stress... nên phải xả stress. Mỹ có cách giảm căng thẳng rất... cao bồi. Đấy là vào các CLB bắn súng, bắn cho chán chê, cứ nhằm bia rồi tưởng tượng vợ mình, chồng mình, sếp mình, địch thủ của mình... mà siết cò. Lúc ra khỏi CLB hả hê, sảng khoái vô cùng. Tình yêu thương nhân loại lại bốc cao ngùn ngụt. Ai bảo làm từ thiện này nọ là ký séc cái roẹt, khỏi nghĩ!

Mình định làm cái xả stress kiểu Nhựt bổn, tức là đập ba cái đồ điện tử cũ như loa đài vô tuyến ..., vừa đập vừa chửi rủa cho sướng mồm nhưng xem ra xưa rồi. Đang tính làm cái Gun Clup hay Shooting Place ! Ai hùn vốn cùng không?

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ