Chữa bệnh bằng bùa chú, phù phép: Vì nghèo nàn, lạc hậu, mê tín dị đoan?
Chữa bệnh bằng các hành vi ma thuật của thầy lang, thầy mo, thầy pháp… chưa tìm thấy cơ sở khoa học và tỷ lệ thành công không cao nhưng rõ ràng nhiều cộng đồng dân tộc trên thế giới đã, đang sử dụng phương pháp này (ở đây không đề cập nhóm thầy lang lừa đảo).
Hôm rồi đọc một bài báo về Mustang (thủ đô một thời của Vương quốc Lo, cách thủ đô Kathmandu-Nepal 250 Km) thì thấy người dân ở đây tin rằng bệnh tật là do ma quỷ gây ra và chỉ có thể bị xua đuổi khi các nhà sư làm lễ trừ tà.
Các nhà sư, thầy lang vẫn sử dụng phương pháp chữa bệnh của người Tây
Tạng có lịch sử cách đây hơn 2.000 năm. Họ tin con người là chủ thể vi mô của
vũ trụ, được tạo nên bởi năm nhân tố: đất, lửa, nước, không khí và không
gian. Khi những nhân tố này chịu áp lực và xung đột lẫn nhau sẽ gây ra bệnh tật
cho con người (VNExpress)
Mình làm việc ở Tây Bắc, rồi Tây Nam bộ, đều thấy người thiểu số (Thái Mông, Mường, Khmer…) ở vùng sâu vùng xa đều có cách chữa bệnh này. Ở vùng người Khmer thì các “bác sỹ dân gian” dùng bùa chú và phù phép để chữa bệnh gọi là Acha, Krou Tậy.
Chúng ta cho rằng vì nghèo nàn, lạc hậu, dân trí thấp… nên bà con vẫn tin theo cách chữa bệnh phản khoa học nói trên. Điều đó không sai, nhưng nếu chỉ dừng lại ở những lý do đó thì mình vẫn thấy chưa thuyết phục.
Hình như con bệnh, nếu có một niềm tin vào cách chữa bệnh của thầy pháp, thầy mo thì hành vi phù phép, bùa chú sẽ tác động mạnh mẽ lên tinh thần của họ, để họ tin tưởng tuyệt đối rằng sau đó bệnh nhất định sẽ lui.
Mình không am hiểu y học nên không biết tinh thần và tư tưởng quyết định đến việc khỏi bệnh như thế nào nhưng thấy ông Mao nói “tư tưởng là thống soái”, rồi những chiến sỹ cộng sản bị đóng đinh vào sọ, bị nhổ từng cái răng , nhưng vì có lý tưởng nên vẫn bình thản không khai… thì mình tin tư tưởng có sức mạnh ghê gớm!
Trong dưỡng sinh, thần (tinh thần) là chủ tể của thân thể, thống soái lục phủ ngũ tạng. Còn trong ngành dược, ở giai đoạn thử nghiệm một loại thuốc mới nào đó, người ta sẽ làm đối chứng giữa hai nhóm bệnh nhân. Nhóm 1 uống thuốc thật, nhóm 2 uống thuốc giả (giả dược). Điều kỳ lạ là trong nhóm uống giả dược cũng nhiều người khỏi bệnh, cho dù họ chỉ uống bột mì đóng viên.
Như vậy yếu tố niềm tin, yếu tố tinh thần và tư tưởng có ảnh hưởng tới việc lành bệnh? Có lẽ nên tiếp cận ở góc độ này nữa thì mới giải thích đầy đủ vì sao đến hôm nay vẫn còn nhiều cộng đồng tin vào chữa bệnh bằng bùa chú, phù phép, mà ta hay gọi với cách gọi miệt thị: mê tín dị đoan.
Nếu nhất trí quan điểm này thì việc công kích kịch liệt để xoá nhoà niềm tin, thậm chí là đức tin của họ có khi cũng cần phải cân nhắc lại.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ