Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Quán gánh bánh đa cua Lý Thường Kiệt

Gánh hàng của vợ chồng chị xuất hiện ở vỉa hè đường Lý Thường Kiệt này đã mười năm có lẻ. Chị bảo khi đó bát bánh đa cua có 2 ngàn.

Hơn chục năm nay gánh hàng rong của vợ chồng chị bán đúng 2 món: bánh đa cua và miến cua. Đến nay thì bát bánh đa đã theo giá thị trường lên đến 25 ngàn, dĩ nhiên là trông “tươm tất” hơn bát 2 ngàn “không người lái” thuở chị mới mở hàng.



Mặc dù là hàng gánh, bán rong, nhưng chị chọn nguyên liệu khá kỹ. Rau cần phải non, tươi; miến và bánh đa cũng được mua ở những địa chỉ quen thuộc. Rau cần và bánh đa chị trần rất khéo, vừa tới để cọng rau cần còn vị ngọt, ăn giòn sần sật; bánh đa thì vẫn nguyên độ dai, không bị bở.

Chị không bán buổi sáng nhưng gần trưa đã thấy khách bu quanh đông nghịt. Chỉ có mấy cái ghế nhựa khách ngồi quanh, vừa chờ vừa xem chị thoăn thoắt trần, chan, nêm, rồi đưa từng bát tới tận tay khách. Có người kiên nhẫn chờ 15-20 phút để tới lượt mình. 

Chị nêm rất khéo, chưa bao giờ khách kêu nhạt hay cay, chỉ thấy mọi người chìa bát xin thêm nước. Những lúc như thế, dù đang tay năm tay mười, chị vẫn vui vẻ đáp ứng.

Không tiện hỏi nhưng đoán chị ở một vùng quê nào đó ở Hưng Yên lên đây làm ăn. Ấy là đoán vậy vì cái dáng thắt đáy ưng ong, cái cách ăn nói nhẹ nhàng, nhẫn nhịn và làm hàng khéo như thế rất có thể là con gái của mấy vùng ven đất Kinh kỳ.

Hàng đông, lại chỉ có hai vợ chồng nhưng chưa bao giờ thấy chị cau có. Mỗi lần khách giục hay than phiền chờ lâu quá, chị lại cười. Lúc ấy, trên khuôn mặt lam lũ, khắc khổ chỉ thấy đôi mắt sáng và nụ cười.

Chồng chị bị tật ở chân, quanh năm mặc chiếc áo bay thời Liên Xô cũ. Anh lầm lũi phía sau gánh hàng, lui cui đun thêm nước dùng, thu và rửa bát. Người ta chỉ để ý tới anh khi thấy anh ngẩng lên dặn ai đó: “Để xe bên kia đi cháu! Ăn bát miến hai chục lại mất hai trăm tiền phạt thì khổ”. Những hôm bị công an đuổi, khách không cần biết gánh hàng của chị đang "sơ tán" nơi nào mà chỉ cần đứng đó là anh đến ngay. Nhiều lúc đi tìm anh trả tiền phát mệt!

Chị có 2 con, một đứa mới tốt nghiệp ĐH vừa ra trường đi làm, còn đứa út đang là sinh viên. Chị bảo cố lê la buôn bán ở góc phố này cho đến khi cả hai đứa học xong và xin được việc.

Quán gánh của chị đa số khách quen, chủ yếu công chức viên chức quanh khu này. Thỉnh thoảng cũng có mấy vị khách tây đi tới đi lui, lưỡng lự một hồi rồi cũng dè dặt ngồi xuống. Họ ăn có thể vì ngạc nhiên với quán hàng gánh trông úi xùi, nhếch nhác mà đông khách. Mình hỏi: “Với mấy ông tây này chị có tính tiền đắt hơn không?”. Chị nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Không! Được thêm bao nhiêu mà làm vậy.” Rồi chị lại cười, nụ cười thường trực, không thành tiếng.


Chưa bao giờ thấy chị sẵng giọng với người chồng chân quê chất phác hì hụi phía sau, kể cả những lúc hàng đông mà anh lại sai hỏng hoặc chậm chễ một việc gì đó. Thế là mình đinh ninh, khách đến với quán gánh lam lũ của chị không chỉ vì bánh đa cua, miến cua ngon mà còn vì nụ cười của chị; vì ở giữa Hà Nội xô bồ hôm nay, người ta tìm thấy hình bóng người con gái Hà Nội xưa ở một người phụ nữ tảo tần,  chân quê ./.





0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ