Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Thanh niên Giao Chỉ ở Đức (P2)

Hôm nay Thanh niên Giao Chỉ ( TNGC) tiếp tục hầu các cụ phần 2 chuyến "công du" nước Đức. 
Xin được bắt đầu bằng cú "xổng chuồng" lao ra công viên tự sướng.


Trời có nắng nhưng chỉ 10độ C.  Phanh áo ra cũng hơi rét nhưng muốn đẹp phải chịu đau, nhìn thế nó mới oách.


Fây-buk-kờ Mạnh Quân (Báo Thanh Niên) đang "chộp" mềnh. Mình bảo mày lấy cho anh cái cảnh công viên ấy, còn cái bản mặt anh loáng thoáng thôi, chỉ cốt chứng minh  TNGC đã qua Bá Linh, để về quê khoe với mấy ông bạn là tao ở "bển"  mới zề.

Thông điệp muốn nói ở đây là cách tư bản nó "làm công viên" như thế nều mà thui. Tụi nó tôn trọng tự nhiên, cứ để cây cối và bãi cỏ vậy, không đu quay, không bập bênh; không bán "giải khát có đá" , không cắt tỉa uốn éo hoa lá thành khẩu hiệu hay con này con kia  như xứ mình. Thậm chí buổi tối còn không thèm có điện, tối thui.

Có hôm phởn lên cả hội tí tởn đi tắt qua công viên. Tối như bưng lấy mắt. Cả hội phải lấy điện thoại ra soi. Anh Lê Quang, phiên dịch, dẫn đầu. Mình loi choi chen vào giữa đám đàn bà thì chúng nó nhắc anh Phong đi sau đi. Chẳng lẽ TNGC U 50 rồi mà còn sợ ma à? Lấy hết lòng can đảm của dòng giống Lạc Hồng, TNGC lui lại sau làm nhiệm vụ khóa đuôi. Để tự trấn an, thi thoảng TNGC lại phá lên cười hoặc nói một câu gì đó rất to nhưng thừa ngô nghê cốt để xua tan đi sự tĩnh lẵng. Cũng may lúc về khách sạn sờ đũng quần vẫn khô.

 Mình phải biết đây là đâu chứ!  Đi lại ở cái nơi an toàn cách công viên Thanh Nhàn nửa vòng trái đất mà vẫn còn sợ. Nhục thế!  Anh Quang nói đúng, chưa "thoát Giao Chỉ", thân xác ở đây nhưng suy nghĩ vẫn còn "mặn nồng" với quê cha đất tổ.

Nói tóm lại là tụi Đức nó hạn chế can thiệp tới mức tối đa vào công viên nên nhìn vào như rừng, đã lắm! Ở Việt Nam mà như thế thì không nói phét, là tổ cho đĩ điếm và nghiện hút.


Đây là một buổi làm việc của TNGC ở Văn phòng Quốc Hội Đức.

 
Các cụ để ý  bàn ghế cực đơn giản, nhưng "chất" đấy, không phải loại "không Hòa thì Phát" như xóm mềnh đâu. Nó buộc các nàng mặc váy phải hết sức thận trọng, hớ hênh chết liền.

Anh Lê Quang kể có lần anh dịch cho 1 đoàn nhà ta, trong đoàn có 1 vị thứ trưởng lùn nhất Việt Nam. Nhưng cái sự lùn ấy chẳng hề gì nếu không có chuyện vị này ngồi lên chiếc ghế "hơi bị" cao nên chân không chạm tới đất.

Nhưng cái việc không chạm tới đất ấy cũng chẳng hề gì nếu không có chuyện vị này  tuột giầy ra khỏi chân, tệ hơn nữa là vì không chạm đất nên  hai chân  chàng cứ đung đưa vung vẩy. Đung đưa kiểu so le chán, chắc mỏi, chàng bèn ngoắc chân vào nhau vung vẩy nhịp nhàng. Hồn nhiên lắm, tựa hồ như đang relax hết cỡ để tận hưởng lạc thú.

Nhưng cái việc đong đưa hai chân là việc cá nhân, mà tư bổn  vốn tôn trọng cá nhân nên chẳng lấy đó làm phiền. Chuyện đong đưa ấy cũng chẳng hề gì nếu như không có việc đùng một cái phiên dịch Lê Quang xướng tên lão lên bục nhận huy hiệu gì gì đó.

Lão luống cuống, lon ton chạy lên mà không kịp xỏ giầy, cứ tất không lão diễn, nhưng chẳng hề gì, có ai chụp ảnh chân đâu mà lo. Về nhà mình -Việt Nam, vẫn chém ầm ầm: "Anh được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh nhé !"

Nhẽ ra tụi tư bổn phải biết con rồng cháu tiên có cố tật đã trở thành mạn tính, kinh niên là rung đùi và ngoáy mũi thì phải lo thiết kế cái bàn kin kín một tí, còn không có thì cũng phải lấy vải xanh vải đỏ mà che đi chứ ai lại để thông thống như thế. Định minh bạch cả đôi chân à?

Riêng lễ tân cho tụi Đức 1 điểm.  Và mình đoán anh Quang bịa hoặc ít ra là chơi khăm lão chứ cán bộ nhà mềnh biết giữ gìn bản sắc văn hóa lắm, biết giữ gìn hình ảnh  lắm, không có chuyện đó đâu.
     


TNGC đấy! Đang đứng dạng háng chổng mông vào Nhà quốc hội Đức đấy! Mình cố tình đứng hiên ngang để tỏ rõ 4000 năm văn hiến, giữ gìn quốc thể, lấy lại vài điểm trừ  đã mất do vị thứ trưởng đi tất lên nhận huy chương kia. 

Chính diện tòa nhà có dòng chữ "Vì dân tộc Đức" . Đọc xong mấy chữ này, dù rất khiêm tốn nhưng TNGC cũng nhếch mép,  buông một câu, rất nhẹ, tuồng như góp ý: Thiếu nhiều! Bắt chước cũng không nên hồn: Của dân, do dân và vì dân. Hiểu chưa?

Nghe nói tòa nhà này xây từ thế kỷ thứ mười mấy..., quên bố nó  rồi.


Cạnh nhà TNGC -Xóm Lò có ông kiến trúc sư học ở Nhật về. Ông thiết kế cái nhà rất ngộ, không chát vữa với ý định trồng rêu lên toàn bộ tường và mái.  Chỉ một năm thôi,  thời kỳ quá độ ấy không dài và người ta có đủ kiên nhẫn để chờ đợi, khi đó toàn bộ tòa nhà sẽ được một màu xanh của rêu bao phủ. Ông gây mãi gây mãi không được đám rêu nào, cứ mọc lên ít bữa là chết. Cái khí hậu xứ mình nó đâu dễ để làm căn nhà rêu như Nhật?

   
Và hôm nay TNGC đứng đây, nhìn cảnh  này và "suy nghĩ sâu sắc": Liệu chúng ta có quyền mơ về những bức tường hoa như ở xứ Bá Linh này?


Bữa sáng của TNGC. Rất đạm bạc. Làm sao TNGC có thể ăn ngon khi mà quê hương còn biết bao người khốn khó. Hết dĩa này mình chỉ dám ăn thêm một tô súp nhỏ, một bát các loại hạt chan với sữa tươi, thêm vài dĩa hoa quả gọi là ăn thay rau để bổ sung Vitamin E cho đẹp da, tăng cường chất xơ để bảo vệ đường ruột.



Hôm nào nhớ quê hương thì mình ăn thế này thôi. Đất nước còn nghèo mà các cụ. Ăn thì cũng phải nghĩ đến đời con đời cháu chứ.

Nhìn ly rượu vang các cụ biết thừa là bữa tối. Tây không biết uống rượu sáng rượu trưa, thua xa xứ mình. Nghèo cũng phải "123-zô".

TNGC đã ngồi đây, trước cái dĩa thức ăn này, vẫy lão bồi bàn lại (bồi bên Đức toàn trên 50 vì già hóa dân số), hất hàm vào bộ dao dĩa, nói này, sao bộ đồ ăn đơn điệu thế, chẳng có hoa văn gì cả.  Bồi khúm núm, đầu cúi tay xoa, giọng rối rít: Bẩm ông tha tội ạ! Xứ con dùng loại này để rửa cho nó vệ sinh ạ. Còn cái loại hoa văn thì dầu mỡ và thức ăn sẽ bám vào khe kẽ, rất chi là bửn ạ. Nếu ông muốn, mai con đánh dây thép về Việt Nam, mua cho ông một bộ hoa văn chằng chịt ạ.


Còn đây là phòng họp nội các của bà thủ tường Đức Angela Merkel. Trên bàn có tấm biển ghi tên từng yếu nhân. Đơn điệu tới mức nhàm chán! Văn minh công nghiệp và kỹ thuật cơ khí luyện kim  hiện đại len cả vào phòng họp. Nếu ghế rồng ghế phượng thì hợp với phong cách và gu thẩm mỹ của TNGC hơn. Tìm mãi không thấy biển tên Ngô Thiệu Phong, hiệu là Thanh niên Giao Chỉ -TNGC ở đâu.

Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì vì TNGC đang cắm mắt vào chiếc đồng hồ rất đẹp bằng đồng, 4 mặt số để trên bàn.  Nếu không có cái dây đỏ này...

   
.   ...thì đừng nói TNGC có tính tắt mắt nhé. Truyền thống quê mình thấy hay hay là rất...hay cầm nhầm.

Nói vui thôi! Chỗ này không phải siêu thị. Để vào được chỗ này TNGC phải qua mấy cửa an ninh, có chỗ gần như phải cởi truồng.  Sợ dĩ TNGC hướng sự chú ý của các cụ vào chiếc đồng hồ 4 mặt này vì nó sẽ là nội dung chính cho "TNGC ở Đức", phần 3. Thế thôi!




Anh chị nào quan tâm tới lịch sử, tới chiến thắng phát xít thì biết hình ảnh Nhà quốc hội Đức bị hồng quân Liên Xô đánh chiếm và phá tan như thế nào.  Và hôm nay người Đức vẫn không quên sự kiện đó. Không biết họ có thái độ thế nào với chủ nghĩa phát xít nhưng sự đổ vỡ tan hoang của chiến tranh thì vẫn còn nguyên vẹn. Một số mảng tường Nhà quốc hội có những dòng chữ của hồng quân LX viết năm 1945 (chắc là bày tỏ sự vui mừng khi chiến thắng) vẫn được bảo tồn nguyên trạng bằng cách ghép vào những bức tường mới.  

Không bàn về chính trị, chỉ nói ở lĩnh vực bảo tồn bảo tàng nên thế lực thù địch đừng suy luận linh tinh nhé.  TNGC muốn nói rằng, ở nơi nào đó người ta cứ thích đập bỏ cho bằng hết những gì tên là  quá khứ để xây cái mới cho hoành tráng thì nên đem giấy bút sang xứ giãy chết này mà học. Đã là lịch sử thì phải chính xác và chân thật, đừng lấy lý do địch- ta, hay- dở, xấu- tốt... mà ngụy biện cho hành động  đập phá đầy kỳ thị, hằn học và tức tối đến ngu muội.

Thôi, vợ vừa gọi điện facetime, TNGC xin tạm dừng, các cụ đón xem phần 3 nhé .  






















































































































































































































  



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ