Cà phê rễ tranh và nhạc cổ điển.
Đang buồn thì anh Xương khoe Cần Thơ có quán cà phê chơi nhạc cổ điển, mình chộp luôn, bảo hôm nào rỗi đi. Cái gì chứ ham chơi thì ở Cần Thơ anh Xương chỉ chịu về nhì. Quay ra quay vào một lát đã thấy anh bảo đặt bàn rồi, tôi, bác, thằng Zăng (Văn) và con gái tôi, đủ bàn 4. He he.
Văn lai mình đến quán cà phê
Fresh. Bác trông xe vừa nhìn thấy nói cậu đặt bàn chưa, hết chỗ rồi. Nhìn dãy
xe máy chừng 30 chiếc dựng ngay ngắn biết quán nhỏ, khách cũng tầm tầm, dạng
như mình (công chức, sinh viên…) nên mạnh dạn đẩy cửa bước vào.
Anh Xương và con gái đã chờ sẵn.
Mình vừa ngồi thì đèn tắt. Hướng mắt về góc phòng thấy một người cầm ghi
ta và một người ngồi bên đàn piano. Trước khi chơi nhạc, anh chàng cầm ghi ta
nói giọng nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, yêu cầu mọi người tắt chuông điện thoại
và trò chuyện vừa đủ nghe.
Tiếng nhạc vang lên...Mình chiêu
một ngụm nhỏ cà phê thơm lừng để nén cảm xúc.
Hóa ra là song tấu chứ không phải
tam tấu như hình dung ban đầu. Hải, người chơi ghita đồng thời là chủ quán cho
biết, cậu chơi violon hôm nay bận. Tiếc!
Hải được học nhạc bài bản. Nhưng
ông chủ sinh năm 85 này cũng sòng phẳng thừa nhận bán cà phê là chính, nhạc chỉ
là phụ. Hải tự tin với chất lượng cà phê của quán khi tự hào nói về truyền
thống rang xay có tiếng của gia đình. Quả thật! Mùi thơm và vị cà phê ở đây khá
đặc biệt.
Câu chuyện giữa chúng tôi với Hải
không chỉ dừng lại ở thương mại. Có một điều như tâm nguyện, vượt ra ngoài
chuyện mưu sinh, Hải muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa. Hải chia sẻ: Có thể
ban đầu các bạn trẻ chưa quen nhưng rồi sẽ quen. Bên cạnh những bản nhạc cổ
điển có tính hàn lâm, bọn em cũng chơi một số bản nhạc trẻ quen thuộc, nhưng đó
chỉ là giai đoạn đầu, gu nhạc của quán vẫn là cổ điển.
Chuyện tới đây lại nhớ lần tới
quán cà phê Rễ Tranh của Phục, chạc tuổi Hải. Tên gọi Rễ Tranh bởi quán được
thiết kế với hầu hết các vật liệu tranh tre nứa lá, nhìn là thấy toát lên hồn
cốt dân tộc. Quán cà phê nhưng có món tủ là nước rễ tranh, uống mát lại lành.
Phong cách phục vụ và décor của quán rất thân thiện. Nhìn cái menu được thiết
kế bằng cỏ tranh, vải gai bao bố rất xinh và đáng yêu. Chắc chắn không đụng
hàng.
Cũng như Hải, ngoài bán giải
khát, Phục còn tổ chức câu lạc bộ đọc
sách, câu lạc bộ học ngoại ngữ. Tại đây, các bạn trẻ cùng nhau đọc 1 quyển sách,
sau đó trao đổi suy nghĩ của bản thân. Tương tự, ở câu lạc bộ học ngoại ngữ mọi
người chia sẻ kinh nghiệm trong học tiếng nước ngoài.
Ai bảo dân miền Tây suốt ngày
nhậu? Điều đó sẽ dần lùi về quá khứ. Hải không bia rượu thuốc lá, còn Phục đang
theo phương pháp thực dưỡng của GS người Nhật Sakurazawa
Nyoichi nên người cứ tong
teo.
Tiếng nhạc tiếp tục cất lên. Hải cho biết có cây đàn anh phải đặt một
nghệ nhân ở Sài Gòn làm ròng rã hơn một năm trời với giá 1600 đô la. Chẳng thế
mà nhạc ở Fresh trình diễn không qua một thiết bị khuếch đại điện tử nào nhưng
có đoạn nghe nổi da gà, gai hết người.
Cứ để ý cái động tác Hải trân trọng nhấc cây đàn ra khỏi giá một cách
chậm rãi, thận trọng đến mức kính cẩn thì đủ biết âm nhạc đối với cậu ta thiêng
liêng như thế nào. Còn người chơi piano thì cần mẫn một cách nghiêm cẩn, chẳng thấy
đoạn nào anh ta lắc lư giậm giật để phiêu cả thế mà từng giọt piano cứ lung
linh, cứ long lanh nhảy nhót rồi bất ngờ tuôn trào ào ạt. Đã tai!
Khoái nhất là nhìn các ngón tay Hải chạy nốt. Chẳng thấy có một sự cố
gắng nào thế mà âm thanh cứ dìu dặt, trầm bổng rồi bất chợt bùng nổ, cao trào.
Nhìn Hải chơi ghita lại tiếc, giá ngày xưa cứ chịu đau để ông giáo dạy
nhạc ở Cầu Gỗ khảo vào chân vì ngồi sai tư thế, thì giờ mình cũng biết tí ti về
nhạc.
Đến với Fresh Cà Phê không nên mặc may ô quần đùi, chẳng phải chỗ để chém
gió linh tinh nhưng cũng không cần phải quá cầu kỳ. Người mù nhạc như mình đến nhâm
nhi cà phê, cải thiện năng lực nghe của đôi tai; người hiểu nhạc thì thưởng
thức, bình phẩm và yêu cầu. Chả sao, cứ thấy hay là được, thấy cái bon chen, xô
bồ, ồn ĩ ngoài kia dịu hẳn đi là quý rồi.
Bước ra khỏi quán, mình cứ áy náy khi chỉ bỏ ra có 18.000đ cho một ly cà phê mà ngồi nghe nhạc từ 8 đến hơn 10 giờ tối. Có một cảm giác như đã bóc lột và lấy của người khác cái gì đó. Không phải. Đấy là cái suy nghĩ thuần túy thương mại. Nếu thế thì Phục đã không dành cả cái sàn lầu 1 của quán để sinh viên đến thảo luận, nước uống có bán được hay không không quan trọng. Hải và Phục đều mưu sinh nhưng cái họ hướng tới nhân văn hơn nhiều. /.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ