Đằng sau ứng xử và diễn đạt của thi hoa hậu
Một hoa hậu và hai á hậu ra mắt khán giả. Người ta bình cô này đẹp hơn cô kia. Chuyện bình thường. Chuẩn về cái đẹp của mỗi người thường không giống nhau. Tuy có nhận xét về năng lực trí tuệ thể hiện ở khâu ứng xử thì khá thống nhất. Các em thiếu tự tin và khả năng diễn đạt vụng.
Bản lĩnh sân khấu của nhiều lần trình diễn người mẫu đã giúp Ngọc Hân chiếm ưu thế
trong phần thi ứng xử của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 và giành ngôi hoa hậu.
Còn nhớ có cuộc thi người đẹp năm nào. Giám khảo hỏi thí sinh: Nếu có một điều ước, em ước điều gì?
Câu hỏi xưa như trái đất. Thế nhưng câu trả lời còn cổ xưa hơn:
“Em muốn làm người này, người kia để giúp ích cho đồng bào, cho quê hương…” Người xem cười thầm. Dại thế! Sao không ước có thêm mười điều ước nữa? Tha hồ mà xây dựng quê hương và làm từ thiện…
Nội dung câu trả lời trong các cuộc thi người đẹp thường nghèo nàn, rập khuôn, sáo, nghe…không thật.
Nói về sự nết na của người phụ nữ Việt N, thể nào cũng trích dẫn câu “cái nết đánh chết cái đẹp”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn…”. Trời ơi! Thời buổi này cả “gỗ” và “sơn” đều phải tốt và chẳng nên để cái “nết” đánh chết cái gì cả.
Có ý kiến bình luận các em thiếu tự tin. Không sai. Nhưng cái tự tin ấy ở đâu ra? Phải có cái gì trong đầu thì mới tự tin được chứ? Cũng có người có kiến thức nhưng khả năng diễn thuyết kém. Cái này hiện được gọi là kỹ năng mềm. Đã là kỹ năng thì chỉ có thể rèn luyện.
Nói tóm lại, kiến thức và kỹ năng là hai yếu tố hàng đầu khiến cho phần thi ứng xử của các hoa hậu chưa thuyết phục được người xem.
Hoa hậu và á hậu đều là sinh viên của những trường ĐH lớn, trong đó có cả ĐH quốc tế. Như vậy, có thể xem như học vấn khá tốt.
Cuộc thi hoa hậu năm nay có chuyên gia từ Mỹ về đào tạo cho màn ứng xử. Tuy nhiên, khoá học ngắn hạn ấy cũng chẳng thể thay đổi được phương pháp giáo dục áp đặt của 12 năm học phổ thông cùng thói quen coi thường trẻ, nuôi dạy kiểu gia trưởng của nhiều gia đình.
Đố các bạn: Chiếc đồng hồ treo trong lớp học hướng lên phía giáo viên hay quay xuống học sinh? Chỉ một vật dụng nhỏ thế thôi cũng đủ biết giáo dục vì ai. Thế mà chúng ta cứ hô hào “học sinh làm trung tâm”.
Nền giáo dục áp đặt, thủ tiêu sự chủ động, sáng tạo đã có từ lâu trong sự học của nước ta. Nó lại được gia cố vững chắc hơn bằng tập quán, lề luật trong một xã hội Á Đông.
Đứa trẻ trước khi muốn thể hiện suy nghĩ của mình đều phải “uốn luỡi 7 lần” xem liệu “trứng (có) khôn hơn vịt”, có “cầm đèn chạy trước ô tô”, có “múa rìu qua mắt thợ”? Những ràng buộc và cản trở ấy khiến học sinh khó, thậm chí không bộc lộ được mình.
Chương trình –sách giáo khoa được xây dựng và biên soạn theo lối thầy giảng giải - trò ghi nhớ. Thế mới có chuyện “rắn là một loài bò”. Phương pháp dạy không cho phép học sinh nêu ý kiến trái ngược. Trong suốt bậc học phổ thông, học sinh chỉ trình bày những cái thầy đã dạy chứ không dám nói điều mình suy nghĩ.
Gần đây, việc này cũng có cải tiến, nhưng chủ yếu là hình thức. Một vài giáo viên tâm huyết cũng muốn khơi dậy sự chủ động của học sinh, nhưng lại sợ “cháy” giáo án và không đáp ứng được yêu cầu của một nền giáo dục ứng thí.
Tác giả bài viết: Ngô Thiệu Phong
Nguồn tin: Vietnamne
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ