Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Bao giờ có giáo viên giỏi?

28/05/2008
Năm 2006, kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho thấy, tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt trình độ chuẩn theo quy định khá cao: GD mầm non đạt trên 77%; Tiểu học trên 96%; THCS 95%; THPT 97%. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “nhà giáo chưa biết hướng dẫn cho học sinh tự học, chưa chủ động, sáng tạo tiếp nhận kiến thức một cách tự giác”.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn thừa nhận: “Số lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên hiện còn nhiều bất cập, chất lượng yếu kém, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa”. Đạt chuẩn trình độ, theo Luật Giáo dục, có nghĩa là giáo viên mầm non và tiểu học phải có bằng trung học sư phạm, giáo viên THCS có bằng CĐSP và giáo viên THPT phải tốt nghiệp ĐHSP. Đến nay, tỷ lệ đạt chuẩn trình độ chắc chắn còn cao hơn con số trên, nhất là khi ngành GD đang chuẩn hóa đội ngũ, đánh giá giáo viên qua bộ tiêu chí chuẩn nghề nghiệp.
Cho dù ngành GD đã phát hiện ra nguyên nhân căn bản dẫn đến chất lượng GD chưa đạt yêu cầu nhưng cho đến nay giải pháp khắc phục hiệu quả hiện vẫn chưa có. Nguy hại hơn, số giáo viên đạt chuẩn trình độ ngày càng cao nhưng năng lực giảng dạy thực tế không được cải thiện là bao. Có nghĩa là ngành GD có thể trưng ra trên giấy những con số đẹp, nhưng khi đứng trên lớp giảng bài cho học sinh thì trình độ vẫn như thế, thậm chí có nơi còn giảm sút. Một trong những nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là ngành GD, cũng như địa phương, vẫn còn quá coi trọng bằng cấp, một số nơi thả nổi việc đào tạo sư phạm, đặc biệt là các lớp liên kết, các lớp tại chức, nâng chuẩn giáo viên... Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn Nông Thanh Hải cho biết, “tỷ lệ học viên các lớp kiểu này đều đỗ loại khá giỏi nhưng dạy thì chẳng thấy biến chuyển gì”.
Giáo viên được đào tạo nâng chuẩn một cách tràn lan, thiếu kiểm soát chất lượng diễn ra ở hầu khắp các tỉnh thời gian qua. Trong khi đó việc tuyển giáo viên vào dạy trong các trường lại có nghịch lý. Đó là ngành GD tuyển người cho ngành mình nhưng lại không được phép đưa ra các tiêu chí để chọn lựa. Chẳng hạn ở Hà Nội đang thí điểm cho các trường trực thuộc sở GD-ĐT tự tổ chức tuyển giáo viên, nhưng ở một số địa phương, Sở Nội vụ lại có ảnh hưởng rất lớn trong việc tuyển biên chế cho ngành GD. Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên Lê Duy Vị bức xúc: “Tuyển người cho ngành GD nhưng vai trò của sở GD-ĐT rất mờ nhạt. Nếu cứ tuyển theo cách như hiện nay thì chỉ tuyển được GV bình thường nếu không muốn nói là kém”.
Việc thi tuyển giáo viên ở một số địa phương thời gian qua cũng đã xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng, minh bạch. Điểm số của sinh viên sư phạm, hay nói rộng hơn là chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm không đồng đều, khiến cho ngành GD chưa tuyển được giáo viên giỏi. Nếu dựa vào điểm tốt nghiệp và quá trình học tập ở trường thì rất có thể chọn được một SV bằng giỏi ở trường A nhưng năng lực thực tế chỉ bằng một SV tốt nghiệp trung bình ở một trường sư phạm đào tạo có chất lượng, uy tín. Chất lượng đào tạo sư phạm không đồng nhất khiến cho ngành GD khó đưa ra các tiêu chí khách quan để tuyển chọn. Khi Sở GD - ĐT đưa ra các tiêu chí đánh giá riêng thì nơi này nơi kia lại xảy ra tiêu cực... Đó cũng là lý do để Sở Nội vụ can thiệp.
Rõ ràng vấn đề ở đây là sự phối hợp nhất quán giữa hai bộ: Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ. Chỉ khi nào có sự chỉ đạo thống nhất giữa hai bộ thì các sở liên quan ở địa phương mới thực thi được chức năng nhiệm vụ của mình, từ đó việc phân cấp quản lý cho địa phương mới có hiệu quả. Việc đào tạo giáo viên chưa đạt yêu cầu, trong khi tuyển cũng chưa chọn được người có năng lực. Như vậy không biết đến bao giờ ngành GD mới cải thiện được phương pháp giảng dạy, khâu mà ngành cho là yếu nhất?

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ