Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Mình thích nhạc vàng

Mình thích nhạc vàng vì mỗi bài hát là 1 câu chuyện, là 1 lời tâm sự, sẻ chia. Nhạc vàng đứng về “phe nước mắt” để an ủi động viên người ta vượt qua những biến cố trong cuộc đời, phần nhiều về tình yêu.

Còn một lý do khác khiến mình thích nhạc vàng vì ca từ rất thơ, rất ý nhị, chau chuốt; không dễ dãi, xô bồ, sống sượng.


Hôm rồi mình với bà xã tranh luận kịch liệt về “ý tứ” trong bài “Tình ca trên lúa” của Hoàng Thi Thơ:
"Trên đồng lúa vàng, một bầу sơn ca
Trên đồng lúa vàng, chỉ mình đôi ta
chỉ mình đôi ta, nhìn mâу, mâу ngập ngừng, nhìn chim, chim ngại ngùng, mình nhìn nhau, nhìn được lòng thẹn thùng trên đôi má em hồng
Trên đồng lúa vàng, một chiều уêu em
Trên đồng lúa vàng, ngàn đời không quên
ngàn đời không quên, vừng trăng trên trời, ngàn sao cao vời vợi, mình nhìn nhau, nhìn được tình phơi phới trong mắt em tuуệt vời…"
Huy động hết kiến thức phân tích văn học học ở phổ thông, với điểm trung bình luôn dưới 5, mình đoán nhân vật của Hoàng Thi Thơ đem nhau vào đồng lúa trao nhau tất cả rồi.
“Ngàn đời không quên” cơ mà, đến chim nhìn thấy còn “ngại ngùng” cơ mà! Cuộc này chắc “tưng bừng” lắm!
Vợ mình cười ẻ, nói anh thô thiển, nôm na quá. Đồng lúa mà vào làm gì, rặm chết! 😝
Đấy, ca từ nhiều bài nhạc vàng tinh tế, ý nhị, đầy chất thơ. Họ tình tứ tưng bừng như thế mà thể hiện tịch không hề trần trụi, dung tục.
Còn trong bài “Về đâu mái tóc người thương", 1 sáng tác của Hoài Linh (không phải nghệ sỹ Hoài Linh hiện nay), có đoạn:
"Lầu kín trăng về không lối chiếu
Gác cao ngăn niềm уêu
Thì thôi mơ ước chi nhiều
Lầu vắng không người song khép kín
Ɲhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe... tiếng lá rơi thềm"
Nghệ thuật mỗi người cảm thụ 1 cách, một tầng bậc khác nhau, tôi thì đoán bài hát về 1 cuộc tình éo le ngang trái, hai người không đến được với nhau, vì nàng thuộc hàng trâm anh thế phiệt, lá ngọc cành vàng, bị cha mẹ bắt ở trong cung cấm, không cho ra ngoài đi phượt với người yêu… Tất cả được diễn tả chỉ với vài từ hàm súc, cô đọng. “Lầu kín trăng về không lối chiếu/ Gác cao ngăn niềm уêu”.
Cung cấm trăng chui không lọt thì biết sự ngăn cản đôi lứa đến với nhau nghiêm khắc như thế nào.
Ở đoạn cuối bài hát “Về đâu mái tóc người thương" có một ca từ rất thú vị "Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe... tiếng lá rơi thềm."
Trong bài thơ “Đêm Côn Sơn” của thần đồng Trần Đăng Khoa viết:
"Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng"
Đều là tiếng lá rơi nhưng "lá" của Hoài Linh "rơi" năm 1964 còn của Trần Đăng Khoa năm 1968.
Nếu Hoài Linh viết “Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe... tiếng lá rơi nghiêng bên thềm” thì… sẽ rất thú vị vì 1 nhạc sỹ, 1 nhà thơ ở hai miền còn chia cách cùng diễn tả sự tịch mịch bằng tiếng lá rơi thềm.
Văn nghệ sỹ họ luôn có sự đồng điệu trong tâm hồn như thế 🥰.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ