Vì sao 12 nhà vô địch Olympia du học không trở về?
Trong 13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì chỉ có 1 người trở về Việt Nam lập nghiệp. Cá nhân tôi không bất ngờ, chỉ thấy thú vị và háo hức nếu ai đó viết về người duy nhất quay về cố hương.
Chẳng phải chờ lâu đâu, trong bối cảnh báo chí thèm tin như hôm nay thì chỉ mai kia, thể nào anh em đồng nghiệp cũng “săn” được nhân vật đặc biệt này. Còn 12 người đang làm việc tại Úc hoặc một nước nào đó thì chắc hơi khó, mà có tìm được cũng dễ gì tiếp xúc.
Họ sẽ ngại trò chuyện với nhà báo. Ngộ nhỡ nhà báo trưng ra cái clip cách đây vài năm, trên truyền hình hùng hồn tuyên bố: Nào là đến cuộc thi này để học hỏi, giao lưu là chính; nào là sẽ đem kiến thức về xây dựng quê hương đất nước…
Chọc vui vậy để các em tỉnh táo, tránh rập khuôn, sáo rỗng khi phải nói trong các cuộc thi (nhất là trên TV) thôi. Với tôi, 12 em đang học tập làm việc ở nước ngoài là một cơ hội tốt cho cá nhân các em và cho cả đất nước.
Khoa học đâu có biên giới. Thành tựu khoa học là phục vụ chung nhân loại cơ mà. Hà cớ gì cứ nhất nhất đòi hỏi các em phải về nước sau khi hoàn thành việc học? Chúng ta đã chấp nhận thế giới này là thế giới phẳng, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, thế hệ 8x, 9x giờ phải là công dân toàn cầu… vậy chẳng nên bó buộc ở phạm vi lãnh thổ trong việc lao động, học tập và nghiên cứu. Ở đâu người ta phát huy tốt nhất khả năng bản thân thì không nên cản trở.
Trong một quốc gia cũng thế thôi. Ở đâu trên thế giới cũng đều chấp nhận quyền tự do cư trú của công dân trong hiến pháp. Họ ở Bắc hay Nam là quyền của họ. Hà Nội là thủ đô nhưng không nhất thiết chỉ có người Tràng An thanh lịch. Người Nghệ An, Thanh Hóa, Sài Gòn vẫn thoải mái sống và làm việc. Một nền kinh tế thị trường, một thế giới chấp nhận sự cạnh tranh để làm động lực cho sự phát triển thì cần thiết có một tư duy mở, thoáng đãng, tránh cục bộ, đố kị hẹp hòi. Nước Mỹ hùng cường một phần vì biết phát triển chính sách đa sắc tộc, đa văn hóa. Người giỏi luôn có cơ hội, có vị trí xứng đáng, bất kể màu da và xuất thân ra sao.
Liệu có một Đặng Thái Sơn không, nếu như anh không được học tập tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, dưới sự hướng dẫn của những người thầy tài năng như Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov?
Liệu có một Ngô Bảo Châu không, nếu như anh không được đào tạo và nghiên cứu ở những trung tâm toán học hàng đầu thế giới?
Chẳng nói đâu xa, cứ kiểm kê lại chính sách trải thảm đỏ nhận thủ khoa sẽ rõ. Cũng là trọng dụng nhân tài về với địa phương đấy nhưng có cái gì đó hình thức, kiểu thùng rỗng kêu to, hời hợt và thiếu bền vững. Kết quả ra sao đến giờ này mọi người đều biết.
Cách đây khoảng trên chục năm, tôi nhớ không chính xác lắm, hình như tại Đồng Mô – Hà Nội, diễn ra một hội thảo khá lớn, quy tụ nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp (phần đông là Việt Kiều) để trả lời mỗi câu hỏi: Vì sao sau làn gió mát lành của ĐỔI MỚI, họ quay lại cố hương hăm hở, hào hứng bao nhiêu, thì khi ra đi, lại âm thầm và xót xa bấy nhiêu. Vì sao họ chán nản và rút dần khỏi Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản: Môi trường làm việc, nghiên cứu không có, trong khi lại đầy rẫy những thủ tục “rất Việt Nam”.
Chỉ lấy vài ví dụ gần đây ai cũng biết: Tàu ngầm Trường Sa, Yết Kiêu loay hoay, “lên bờ xuống ruộng” với biết bao thủ tục; tàu bay VAM 2 đắp chiếu nằm kho sống chung với nhện và bóng tối thay vì chao liệng trên bầu trời cùng nắng, gió và mây.
Vậy nên, thay vì trách cứ các em, mà cũng chẳng ai trách đâu, rằng sao không phụng sự Tổ quốc, thì hãy hỏi làm cách nào để gỡ bỏ mọi rào cản, tạo mọi điều kiện để tài năng trở về nước. Và cũng chẳng nên bận tâm lắm với cuộc thi của truyền hình. Họ tạo ra sân chơi để phát hiện tài năng như thế cũng là quý lắm rồi./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ