Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

"Thanh Tùng xin hầu chuyện các cụ"

 VOV.VN - Về chú Nguyễn Thanh Tùng phải để các bậc tiền bối ở Đài Tiếng nói Việt Nam viết mới xứng, mới đầy đặn. Nhưng hôm nay chú đi xa, đi mãi, nhớ chú, tôi - người được làm việc cạnh chú từ khi vào Đài - xin mạn phép viết mấy dòng, thể hiện tình cảm với chú.

Ở Đài nhiều người già, không mấy ai được gọi “cụ”, nhưng chú Tùng thì nhất loạt gọi bằng cụ. Hậu sinh chúng tôi gọi cụ, anh Xuân Bách - thế hệ đàn anh - gọi cụ, cùng lứa với chú Tùng như chú Huy Dung, trưởng ban, sếp của chú Tùng, cũng gọi cụ lúc thân mật. Chắc trước nay và cả sau này nữa, ở Đài, khó có ai có được danh xưng “cụ” như chú Tùng.

Gọi cụ bởi chú có cái dáng bề ngoài khề khà “rất cụ”. Gọi cụ bởi thính giả của chú là các cụ cao tuổi. Gọi cụ nhưng tính chú lại rất thanh niên. Những lúc trà dư tửu hậu, mấy chú cháu ngồi tếu táo, lũ hậu sinh chúng tôi đều nhọn môi ra uốn éo bắt chước câu chào của cụ: “Thanh Tùng xin hầu chuyện các cụ”. Nói đi nói lại mãi mà chẳng đứa nào nói giống. Những lúc như thế, cụ nheo mắt cười không giấu vẻ hãnh diện, cho thuốc lào vào nõ, rồi tìm cách trêu lại!

Cụ Tùng làm nhiều chương trình phát thanh, trước còn làm ở Phòng Công nghiệp, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong thính giả phải kể đến chương trình điểm thơ người cao tuổi, chương trình cụ theo tới tận lúc nghỉ hưu.

Những năm 90, khi chúng tôi đang học đại học, tiếng tăm cụ trên sóng phát thanh đã nổi như cồn. Rồi lúc vào Đài, đi công tác, xưng ở Đài Tiếng nói Việt Nam, mười người già thì cả mười mắt sáng rực, lao tới bắt tay, hỏi làm ở chỗ anh Thanh Tùng à. Có biết ông Thanh Tùng không? Không biết cầm chắc không phải làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

ADVERTISEMENT

Có lẽ còn rất lâu nữa mới có được một nhà báo, một người dẫn chương trình cho người cao tuổi hay và hấp dẫn như cụ Tùng. Với chương trình thơ, vào phòng thu, ít khi cụ theo kịch bản, cụ chỉ nói, ngâm, không đọc, có đọc cũng như nói, như ngâm, như thủ thỉ tâm tình. Chất giọng trầm ấm, chậm rãi, cách nói khiếm tốn, giản dị, giọng ngâm mộc nhưng ngọt, thể hiện đúng chất “hầu chuyện” khiến người già cả nước say mê. 

Làm ở chương trình người cao tuổi cái khó nhất là luyện đủ sự kiên nhẫn để nghe và trả lời điện thoại, thư thính giả. Lúc ấy không phải nói mà hét, hét nhưng không được cáu, hét nhưng phải hét chậm các cụ mới nghe được. Ba phút sau các cụ quên (tưởng chưa gọi) lại bốc máy hỏi “nhận được thơ chưa” thì cũng vẫn phải trả lời đầy đủ. Chưa thấy cụ Tùng cáu với ai bao giờ, chỉ thấy cụ cặm cụi lần giở không bỏ sót lá thư nào, bài thơ nào; để thơ hay thì được ngâm, chưa hay thì được điểm tên tác giả tác phẩm ở cuối chương trình.  

Cụ Tùng có cái tài là thơ nào cũng ngâm được, nhiều bài đọc ngang phè phè thế mà cụ ngâm bỗng trở nên có vần có điệu, trơn tru nuột nà ngay được.  Cụ Tùng hiểu thính giả của mình, biết tâm lý và sức khoẻ người già nên căn chỉnh liều lượng các phần trong chương trình ở mức tối ưu.

Ngâm bao nhiêu là vừa, nói thế nào là đủ, chỗ nào đưa nhân tình thế thái vào minh hoạ cùng thơ để thơ hoà quyện với đời, thơ với đời là một…, đều được cụ “gia giảm” vừa mức. Lúc nói cũng như lúc ngâm, đoạn suy tư sâu lắng hay lúc cao hứng thăng hoa cụ đều chủ động tiết chế, chậm rãi, để người già nghe được, hiểu được. Ngó lên đồng hồ thấy thời gian sắp hết là cụ chào, xin khất buổi sau bình tiếp, không bao giờ cố. Chính vì thế nên thính giả nghe xong 15 phút điểm thơ, bình thơ của cụ luôn có cảm giác hẫng hụt, thòm thèm.

Gọi "cụ" nhưng tâm hồn cụ lại hồn nhiên trong sáng như trẻ thơ. Gần tuổi nghỉ hưu vẫn sáng tác nhạc, vẫn “lăn lóc” ôm đàn dạy hát, rồi lĩnh xướng cho cả ban tập văn nghệ để đi thi. Cụ ngây thơ tin bất kỳ cái gì cuộc đời đem lại đều là cục vàng, đều màu hồng, dù đó là cục than đen đúa. Sự hồn hậu trào ra từ lòng nhân ái ấy càng khiến mọi người yêu quý và thương cụ hơn.

Hôm nay, người “hầu chuyện” chọn ngày Rằm tháng Giêng để ra đi mãi mãi. Thế hệ trẻ chúng tôi ở Ban Văn Xã tự hào có cơ hội được sống và làm việc với những anh chị cô chú như cụ nên ngoài chuyên môn còn thấm được nhiều điều, đấy là sống có tình có nghĩa, biết trên biết dưới, sống nhường nhịn, sống có trước có sau.

Cụ đã thôi “hầu chuyện” mười mấy năm có lẻ, nhưng lời xướng mở đầu chương trình: “Thanh Tùng xin hầu chuyện các cụ” vẫn văng vẳng đâu đây, vẫn vẹn nguyên trong nỗi tiếc nhớ của người nghe đài, trong niềm tự hào của lớp phóng viên trẻ chúng tôi. Thời ấy và cả hôm nay, có nhiều Thanh Tùng nổi tiếng trên làn sóng, nhưng cụ Tùng, “Thanh Tùng xin hầu chuyện các cụ” thì không thể lẫn với ai được./. 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ