Tai nạn Gt và xe quá tải
Cách đây gần 20 năm, chả nhớ chuyến công tác nào, nhưng mình và anh Nhật Minh có nghỉ lại ở Trạm CSGT Ba Hàng (Hải Dương). Chiều tối buồn buồn ra xem các anh í bắt xe, lạ là cả khoảng dài 30 m trước cổng trạm đường lún thành vệt, trũng hẳn. Sau mới biết phần lớn là do xe quá tải, thấy các anh giơ gậy là gí phanh, lực đè xuống nền đường trên mức thiết kế!
Không chở quá tải thì ăn gì anh Minh Tuan nhể ? Thế mà bạn mình, Thai Hong, một doanh nghiệp thu mua nông sản tại Mai Sơn lại mạnh miệng, nói tôi không bao giờ cho chở quá tải? Hôm đấy rượu say không nhớ Thái giải thích thế nào. Hình như là không muốn dây dưa đến cơ quan chức năng?
Xe chở quá tải hại xe là cái chắc! Hoán cải nâng thùng độn nhíp kiếm cháo cho vợ con thôi chứ ai chả biết khi thiết kế người ta đã tính toán chán rồi.
Xe quá tải điều khiển sẽ khó khăn và thiếu an toàn hơn. Nó cũng khiến cho tâm lý tài xế luôn trong trạng thái lo âu, sợ hãi và căng thẳng. Nghề lái xe đã căng thẳng, giờ lại vi phạm và nớm nớp lo cảnh sát luôn trực chờ thì càng căng thẳng hơn.
Kể cả xe khách, dù không quá tải nhưng vì đón khách dọc đường, phải chờ đợi khách lâu khiến hành khách bực mình, lái xe bực bội, rồi lời ra tiếng vào… cũng khiến tâm lý lái xe không ổn định, mất tập trung, dễ dẫn tới thiếu kiểm soát.
Căng thẳng dẫn tới tai nạn là một nguyên nhân mơ hồ, khó định lượng và xác minh nhưng chắc chắn không ít!
Chúng ta kiên quyết không mua chiếc bánh rán khi người bán bê nó trong cái thúng không che đậy vì MẤT VỆ SINH (cho chính mình). Nhưng chúng ta lại sẵn sàng mua bánh của 1 người bán đang liêu xiêu với đôi quang gánh trĩu nặng trên vai mà không hề quan tâm tới sự MẤT AN TOÀN cho họ và cho người xung quanh.
Một chiếc quần bò Levi’s mua ở Mỹ giá cao không hẳn vì tốt hơn hay đẹp hơn mà vì cái quần đó đã được chứng thực nơi sản xuất ra nó, dù ở Srilanka hay Philippin, cũng đều không sử dụng lao động trẻ em, không xả thải phẩm màu độc hại ra môi trường, công nhân có quyền lợi đầy đủ…
Tức là một sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải chứng minh lành mạnh từ khâu nguyên liệu cho tới quá trình vận chuyển. Bất cứ một hoạt động phi pháp nào can thiệp trong quá trình tạo ra sản phẩm đều ảnh hưởng tới tính chất và giá trị của nó.
Ở các nước văn minh họ tẩy chay những sản phẩm “bẩn” này vì sự AN TOÀN, TIẾN BỘ & BỀN VỮNG của con người; còn ở ta thì con cháu Vua Hùng cứ hồn nhiên hồ hởi mua vì rẻ (do chở quá tải, giảm chi phí vận chuyển). Vô hình trung điều này khuyến khích hành vi vi phạm của doanh nghiệp ngày càng trầm trọng hơn.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ