Cả nhà chạy làm quan mới sợ!
Hôm qua chú Thanh Vũ ghé chỗ làm. Quẳng mấy quyển sách (đem đi trả) xuống bàn chú nói Phong ơi mình thấy báo chí giờ… , rồi chú chép miệng lắc đầu vẻ ngán ngẩm.
Mình vừa pha nước vừa hỏi chú chuyện gì. Chú nói cái tít “cả nhà làm quan” đấy. Chú bảo thế những năm chiến tranh cả nhà người ta lên đường nhập ngũ, mẹ Thứ đấy, rồi cả những gia đình chỉ có độc đinh, chính sách không phải ra trận, nhưng họ vẫn làm đơn bằng máu… Sao không ai nhớ cho những ngày đó nhỉ?
Chú nói một hơi. Mình chỉ biết ngồi nghe. Về nghề báo, chú là bậc đàn anh, mình học cả đời không hết, cách chú liên hệ so sánh mình hiểu nhưng có người sẽ cho rằng khập khiễng, nghĩ chú lại có tí máu công thần, đại loại thế.
Theo mình biết thì chú Thanh Vũ cả nhà không làm quan, chú cũng chả quan cách gì, con chú cũng chả nhờ vả gì chú thì phải nên chú không hề có ý bênh vực cho mấy quan hư hỏng mà chỉ muốn nói một vài tờ báo hiện nay quá tả hoặc phiến diện.
Mình nói với chú là cả nhà làm quan chả sao cả. Cả nhà chạy làm quan mới đáng lo. Chú nói ừ, phải!
Thật ra anh em làm báo ai cũng biết điều đó, nhưng vì tít phải ngắn, phải giật gân, phải ỡm ờ tí mới có view nên đưa lên thôi. Tuy nhiên cái ẩn đằng sau những câu chữ ấy mới là điều đáng nói, đáng ngại. Đấy là nhà báo chủ đích hướng vào cái tâm lý xã hội đang hằn học, nghi kị và dị ứng… với quan chức. Họ kích thích sự tò mò, khơi gợi tính hiếu kì ở chiều kích tiêu cực của sự việc.
Mình cứ tự hỏi vì đâu nên nỗi? Dù đau đớn cũng phải nói thật, hiện nay, trước một hiện tượng, sự việc mà cái vỏ bề ngoài chưa nói lên được bản chất, nhưng nhiều người sẵn sàng gom gần như tất cả vào một cái rọ mang tên xấu xa, bẩn thỉu, hoặc chiếu cố lắm thì cũng bị săm soi với ánh nhìn đầy hoài nghi. Cái tâm lý xã hội đó đang bị lợi dụng. Và nguy hiểm hơn nó huỷ hoại, tàn phá ghê gớm đạo đức con người !
Bạn đem mớ rau xanh mướt ra chợ, cho dù bạn ra sức chứng minh mình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách thì cũng không có nhiều người tin bạn. Họ sẽ tìm mua mớ rau lá bị sâu đục lỗ chỗ; bạn lao tới giúp một người bị tai nạn giao thông. Hãy coi chừng! Rất có thể bạn không được chào đón.
Những giá trị và phẩm chất thông thường không còn đứng ở đúng vị trí nó vốn có nên nảy sinh những cách nhìn méo mó lệch lạc không phải điều gì quá khó hiểu…Câu chuyện lại trở về với hai chữ CÔNG LÝ và CÔNG BẰNG, hai tiêu chí mà các xã hội văn minh coi là mục tiêu để hướng tới một cách không ngừng nghỉ trong hàng trăm năm qua.
Lúc về chú Thanh Vũ bắt tay mình nói viết nhé viết nhé! Mình cảm ơn chú nghĩ cái đề tài này to lắm, cháu làm sao viết nổi chú Thanh Vũ ơi!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ