Nói thế thì nói làm gì!
Trong tiếng Việt hành động NÓI có nhiều từ để diễn đạt, tùy thuộc cách biểu đạt, trạng thái tình cảm và
ngữ cảnh. Gần đây nhất có thêm hai từ được sử dụng nhiều, đó là “nổ” và “chém”.
“Nổ” và “chém” xem ra cùng chỉ hành vi NÓI của người ba hoa, khoác lác. “Nổ” và “chém” nhằm diễu cợt mấy anh bốc phét, ngẫm kỹ thấy nó đáng chê trách thật đấy, nhưng vô hại, thậm chí nếu không có mấy anh này thì buổi nhậu thiếu tưng bừng; cà phê cà pháo chẳng thể râm ran chuyện đông chuyện tây. Khi đó, mỗi người một máy điện thoại, rồi ngồi ì ra mà “tự kỷ” vuốt vuốt xoa xoa thì cũng nhạt.
Đáng sợ và nguy hiểm hơn “nổ” và
“chém” là nói lấy được, thậm chí đáng liệt vào hạng “cả vú lấp miệng em”; nói
nhiều, nhưng ít thông tin, chả có tí giá trị gì.
Thời còn mũi thò lò, đi chân đất, ngang qua mé chợ làng thấy mấy thím buôn thúng bán mẹt miệng dẻo quẹo thía lia đếm cua đếm vịt cho khách mà nghe như hát, nghe cứ mê đi. Khách mua gặp lần đâu cứ là mắt chữ O miệng chữ A rối tinh rối mù, như bị thôi miên, chẳng biết đâu mà lần, về nhà kiểm lại thể nào cũng thấy cua thiếu đằng cua, vịt thiếu đằng vịt.
Cái chiêu vặt vãnh ấy thế mà đến
hôm nay vẫn được đem ra áp dụng. Tất nhiên, khi có tí cương vị, thì trò “đếm
cua đếm vịt” ấy được người ta gia giảm thêm chút “mắm muối” cho có thông tin.
Dẫu cóp nhặt, chẳng liên quan nhiều đến nhau, nhưng cũng lòe được khối người.
Có khi còn được khen là nói hay, rất quần chúng, dễ hiểu.
Ở chỗ nào, cương vị nào thì bộc
lộ và thể hiện bản thân cũng đều cần thiết và đáng khuyến khích, nhưng nó phải có
chất lượng, xuất phát từ nhu cầu tự thân, trong tầm kiểm soát và ở một chừng
mực vừa phải, chứ nói cho có, nói xong chẳng biết mình nói gì thì nên xem lại.
Nhưng khổ nỗi có tí quyền là rất
thích nói. Thích nói bởi thích chỉ đạo để tỏ rõ quyền lực. Người có chút năng
lực thì nói để thể hiện, để chứng tỏ mình; kẻ yếu yếu tí cũng thích nói nhiều,
nói dài. Hình như họ nói để che đậy một cái gì đó hoặc muốn chứng minh cho mọi
người biết mình không phải hạng xoàng.
Có cơ hội khoe dăm ba chữ cũng
hấp dẫn lắm chứ! Khi đó người ta mới tận hưởng hết cái cảm giác khoan khoái của
người thủ lĩnh đang tỏ rõ quyền lực và đang được thần phục. Họ sẽ càng bị kích
thích hơn khi ngó xuống thấy hàng hàng lớp lớp đang dỏng tai lên nghe.
Trách nhiệm phải nói mà không nói
không được, nhưng nói cho có, cho xong nhiệm vụ; nói để thể hiện; nói lấy được,
nói ào ào để che đậy cái hạn chế, nhược điểm của mình…, thì còn tệ hơn. Nói như
thế thì cũng chỉ đáng xếp sau dạng “nổ” và “chém” mà thôi.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ