Viết về kinh tế thị trường định hướng XHCN trên DL
"Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" có thực tồn tại không?
• Chính trị - xã hội
Nguyễn Ngọc Già
Men theo cuộc phỏng vấn của phóng viên Thời báo kinh tế Sài Gòn, tôi đặc biệt chú ý đến đoạn văn dưới đây:
Trung ương Đảng có hẳn một nghị quyết bàn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1). Về vấn đề này, nhìn chung có hai cách tiếp cận.
Cách thứ nhất, định hướng xã hội chủ nghĩa nghĩa là phải sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, khống chế sở hữu tư nhân và kiểm soát kinh tế tư bản.
Cách tiếp cận thứ hai là theo định lượng. Ví dụ: người nghèo phải được giúp đỡ; những đối tượng dễ bị tổn thương phải được đảm bảo về an sinh phúc lợi; việc phát triển phải đảm bảo bền vững; phân bổ phúc lợi phải đồng đều...
Muốn phúc lợi được phân bổ một cách tương đối công bằng, thì nguồn tài nguyên quốc gia phải được quản lý và các thế hệ phải có quyền kiểm soát. Những nhóm lợi ích ngày càng thao túng chính sách phải được kiểm soát, còn những nhóm không có tiếng nói hoặc tiếng nói yếu ớt cần phải được nâng đỡ.
Nhóm chuyên gia chúng tôi đang đi theo hướng thứ hai.
Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho biết, "Trung ương Đảng có hẳn một nghị quyết bàn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (1) và nội dung chính của Nghị quyết này có hai cách tiếp cận (như trên) để hiểu về "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Chúng ta cũng được biết, "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" làtên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo và chủ trương triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990, hệ thống kinh tế này, cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích hạn chế và chung chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Thêm vào đó, công tác lý luận ở Việt Nam về hệ thống kinh tế này còn chưa theo kịp thực tiễn. Gần 20 năm theo đuổi chủ trương xây dựng hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng các thể chế cho hệ thống này hoạt động vẫn chưa có đầy đủ. Mãi tới hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, Đảng mới ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30 tháng 1 năm 2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và, mãi tới ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chính phủ Việt Nam mới có nghị quyết số 22/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW. (nguồn wikipedia)
Như vậy, chúng ta phải đặt ngay câu hỏi : "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thực tồn tại không?" khi khái niệm quan trọng nhất mà chính ĐCSVN cũng thừa nhận rằng: "hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử" thì mọi sự hồ nghi cho khoa học vẫn còn nguyên đó. Liệu những gì ĐCSVN sáng tạo và triển khai trên thực tế có đủ cơ sở để bảo đảm đó thật sự là một vấn đề khoa học?
Hình như Lénin có nói: "Lý thuyết mà không có thực tiễn là lý thuyết suông, thực tiễn mà không có lý thuyết là thực tiễn mù quáng". Tuy chưa hẳn đồng ý hoàn toàn với câu nói của Lénin, nhưng điều đó cũng có ý nghĩa giữa lý thuyết và thực tiễn luôn cần phải gắn liền mới đảm bảo một khái niệm, một tư tưởng, một phát minh, một phát hiện... có giá trị thực tế của nó. Mặt khác, theo Triết học duy vật biện chứng của Marx, vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau và tác động trở lại vật chất thì chúng ta cần đặt ra câu hỏi:
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một phạm trù vật chất có thực trong xã hội loài người chăng?" Nếu quả vậy, lúc bấy giờ chúng ta hãy tiến hành nghiên cứu để biến nền kinh tế có thực này trở thành hiện thực thông qua một hệ thống lý thuyết.
Không hề ngoa ngôn để nói, nếu đây là một phạm trù vật chất có thực nhưng chưa được loài người phát hiện cho đến khi ĐCSVN phát hiện, thì nền kinh tế này "hoàn toàn xứng đáng nhận giải Nobel về kinh tế và những ai đặc nền móng cho khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" được xem là những nhà kinh tế vĩ đại có công khai phá những học thuyết kinh tế tiến bộ nhất của xã hội loài người" (!). Tuy nhiên, có thực là nền kinh tế này đang tồn tại thật sự dưới một dạng vật chất nào mà con người chưa phát hiện ra??? Tôi vô cùng nghi ngại khi có ai đó cho rằng: "Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" là một nền kinh tế có thực mà xã hội loài người nói chung chưa hề biết đến cho đến khi ĐCSVN phát hiện ra(!!!).
Chúng ta đều biết về quả táo của Newton. Thật vậy, một lực hấp dẫn trong vật chất và lực này phải tập trung ở tâm quả đất đã tồn tại trong tự nhiên mà loài người không ai biết đến cho đến khi Isaac Newton phát hiện. Một ví dụ sống động không kém đó chính là Galileo Galilei đã phát hiện ra thuyết nhật tâm . Điều chúng ta cần nhấn mạnh ở đây là những sự vật, hiện tượng trong tự nhiên là đã tồn tại và con người có trách nhiệm tìm ra để phục vụ cho con người. Có thể ai đó sẽ nói rằng, đấy là khoa học tự nhiên không thể áp vào khoa học kinh tế, xin thưa, hãy nghĩ và nhớ lại về phép biện chứng hữu cơ giữa các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và cả trong xã hội, cũng như Charles Robert Darwin cho biết "Thật vô nghĩa khi nói một loài vật tiến bộ hơn loài khác". Thật vậy, loài người khá ngạo mạn và tự đắc nên luôn coi mình hơn các loài vật khác mà những thiên tai cứ trút xuống đầu con người bất chấp những gì con người phát minh, phát hiện vẫn thua cả những con ếch, hay một đàn châu chấu.
Vậy cơ sở nào để bảo đảm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" tiến bộ hơn "kinh tế thị trường"??? nếu như "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là có thật?
Chúng ta không thể nghiên cứu cái không có thật trong tự nhiên nói chung và trong xã hội loài người nói riêng. Hơn nữa, những gì thuộc về khoa học mà nếu chúng ta vẫn còn hồ nghi thì không ai cấm cản con người tiếp tục nghiên cứu, thậm chí quá trình nghiên cứu có thể là năm, ba thập kỷ, tuy nhiên khi còn trong vòng nghiên cứu thì xin chớ đem áp dụng cho thực tiễn, bởi lẽ ngay chỉ với những liều thuốc thử nghiệm để tìm ra vacsin chống virus HIV người ta vẫn đang miệt mài nghiên cứu để phục vụ cho con người mà không hề dám ngoa ngôn hay cẩu thả đem áp dụng đại trà dù cho là những liều thuốc có vẻ mang lại nhiều hy vọng trước tiên cho những bệnh nhân AIDS.
Khi PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa và các cộng sự chưa trả lời được câu hỏi :"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thực tồn tại không?" thì dù cho ông tìm ra được cách tiếp cận thứ ba, thứ tư hay thứ n thì cũng chỉ là công cốc!
Công cốc còn ở chỗ, ngay từ đầu bài phỏng vấn, ông đã nêu rằng: "Trung ương Đảng có hẳn một nghị quyết bàn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", điều này mặc nhiên, ông cho rằng CÓ tồn tại một "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"??? Tôi đặc biệt lưu ý từ "CÓ HẲN" của ông như một sự xác quyết về sự tồn tại bấy lâu nay của nền kinh tế này và ông cùng các đồng sự chỉ còn làm sao tìm ra cách tiếp cận nhanh nhất, tốt nhất vấn đề thôi (!) Nếu quả vậy, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa và các cộng sự cần đưa ra định nghĩa hoặc khái niệm cụ thể bằng những chuẩn mực rõ ràng về nền kinh tế này, thêm vào đó để đảm bảo cho "sự thật này", các định nghĩa hay khái niệm của ông cần được bảo vệ trước các nhà kinh tế học quốc nội và thế giới, kèm theo là một sự chứng nhận về một phát hiện (hay phát minh) hoàn toàn mới về một nền kinh tế ưu việt của loài người tính cho đến nay. (Đây là ý kiến thật sự, không hề có ý mai mỉa). Chúng ta đều thấy, bất cứ một phát minh, phát hiện lớn nhỏ nào cũng cần phải được con người công nhận một cách rộng rãi.
Vậy, PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, trưởng nhóm chuyên gia của báo cáo và các cộng sự trước khi tiếp tục nghiên cứu vấn đề quá lớn và vô cùng quan trọng, hãy xác định liệu "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" có thực không đã. Khi có đủ cơ sở cho rằng nền kinh tế này là một thực thể hiển hiện không gì có thể chối cãi bằng minh chứng khoa học, thì chúng ta hãy nói về "hai cách tiếp cận" mà ông đã nêu ra, song song đó hãy nói về một hệ thống lý luận mới mà theo ông:
là theo định lượng. Ví dụ: người nghèo phải được giúp đỡ; những đối tượng dễ bị tổn thương phải được đảm bảo về an sinh phúc lợi; việc phát triển phải đảm bảo bền vững; phân bổ phúc lợi phải đồng đều...
Muốn phúc lợi được phân bổ một cách tương đối công bằng, thì nguồn tài nguyên quốc gia phải được quản lý và các thế hệ phải có quyền kiểm soát. Những nhóm lợi ích ngày càng thao túng chính sách phải được kiểm soát, còn những nhóm không có tiếng nói hoặc tiếng nói yếu ớt cần phải được nâng đỡ.
...và những giá trị tư tưởng này, dường như là chuẩn mực chung cho phần lớn các nước, các nền kinh tế, các chế độ chính trị trên toàn thế giới hướng đến như là những giá trị không còn là mới mẻ trong xã hội loài người của thế kỷ XXI.
Cuối cùng, cho đến nay, sau khi gia nhập vào WTO, Việt Nam vẫn đang kêu gọi các nước trên thế giới công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Phải chăng mục tiêu này thiết thực và ý nghĩa hơn nhiều so với cố gắng chứng minh về cái gọi là "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"?!
Nguyễn Ngọc Già
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ