Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Không nộp thêm tiền thì con sẽ khó mà học tốt?

 


Người dân đóng thuế với mong muốn được hưởng nền giáo dục đáp ứng yêu cầu xã hội chứ không phải một nền giáo dục chỉ dừng ở mức tối thiểu.


Trong các bài viết liên quan đến các loại phí trong trường học, tôi đặc biệt lưu ý đến một bài viết trần tình của một hiệu trưởng (giấu tên) trên báo Tuổi trẻ. Giáo viên này không phủ nhận tình trạng các trường phải thu khoản này khoản kia và giải thích rằng nếu không thu như thế, chỉ trông chờ vào ngân sách, thì mọi hoạt động của trường đều ở mức tối thiểu.

Cách giải thích như thế thoạt nghe thấy thuyết phục. Nhìn ra các lĩnh vực khác trong xã hội, ta có thể thấy những sự việc tương tự: đi đường phải đóng phí khi qua trạm thu phí; vào bệnh viện muốn được nằm giường riêng, phòng riêng phải trả thêm tiền…  Tóm lại là đóng thêm tiền, với danh nghĩa xã hội hóa hay dịch vụ gì đó thì được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn.

Cách lý giải của vị hiệu trưởng nghe có vẻ hợp lý nhưng thực sự chưa hợp tình. Nó buộc phụ huynh phải đứng trước hai lựa chọn: Chấp nhận mức tối thiểu hay muốn con học tốt?  Ai chẳng muốn con em mình giỏi giang nên việc đưa ra lựa chọn như thế có phần đánh đố, tựa như bác sỹ hỏi bệnh nhân  muốn khỏi bệnh nhanh hay kéo dài thời gian điều trị.

Ý kiến này của vị hiệu trưởng sẽ khiến nhiều phụ huynh giật mình bởi tối thiểu thì không bậc cha mẹ nào muốn mà tối đa thì lại vô cùng. Vậy đâu là sẽ là điểm dừng?

Cứ cho là ngân sách cấp chưa đủ nhưng thu của phụ huynh nên ở mức phù hợp với từng khu vực cộng đồng. Sự giám sát và nhất trí của Hội đồng nhân dân, Ban đại diện phụ huynh về những quyết định như thế này hiện còn rất mờ nhạt, thậm chí chưa ai dám chắc là nó đã được thông qua, có dân chủ và minh bạch không.

Ngành giáo dục đã triển khai một số “chuẩn” trong trường phổ thông, trong đó có “trường đạt chuẩn quốc gia”. Để đạt trường chuẩn phải hội đủ các tiêu chí như giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh giỏi khá, cơ sở vật chất… Do đó có thể coi trường nào đạt chuẩn quốc gia là trường đó, nhìn chung, có thầy tốt, trò tốt, cơ sở vật chất đảm bảo. Vậy thì hoạt động dạy và học ở những nơi này phải hơn mức tối thiểu? Nhưng thực tế nhiều trường đạt chuẩn vẫn huy động phụ huynh đóng góp.

Không lẽ gì giáo dục được Đảng và Nhà nước coi là “quốc sách hàng đầu”, được Quốc hội ưu ái phê chuẩn 20% trong tổng chi ngân sách Nhà nước để hoạt động mà lại chỉ dừng ở mức tối thiểu.

Bên cạnh đó người dân đã đóng thuế với mong muốn được hưởng một nền giáo dục đáp ứng yêu cầu xã hội chứ không phải một nền giáo dục chỉ dừng ở mức tối thiểu, nghe chấp chới, hụt hơi như vậy thật đáng lo!

Khi đất nước còn nghèo thì xã hội hóa các hoạt động, trong đó có giáo dục là cần thiết, nhưng phải được quản lý và giám sát. Nếu nguồn ngân sách Nhà nước cấp chỉ đủ cho các hoạt động tối thiểu trong nhà trường thì các Bộ có liên quan nên rà soát lại. Còn bây giờ, nếu như nơi nào cũng bảo ngân sách cấp chỉ đủ duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, rồi kêu gọi đóng góp ở cái mức …vô cùng thì dân chịu sao nổi./.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ